— Ôi... con người ta mỗi người một chí, khó có thể cưỡng cầu.
Vì ngu trung mà mất cơ hội tốt này, muôn dân thiên hạ còn phải chịu
khổ. Đại nghĩa ngay trước mặt, đại nghĩa ngay trước mặt! Sao không
nhớ đến nghĩa cử của Y Doãn, Hoắc Quang chứ? - Nói xong định bỏ
đi.
— Trần huynh xin dừng bước.
Trần Dật ngoảnh đầu lại:
— Mạnh Đức hồi tâm chuyển ý chăng?
Tào Tháo vẫn lắc đầu như vậy:
— Các huynh mê muội quá! Việc này tuyệt nhiên khó có thể
thành công, tiểu đệ thử phân tích cho các huynh nghe, có được chăng?
— Xin được lắng nghe.
— Phàm việc phế lập, là chuyện rất không lành trong thiên hạ.
Cổ nhân có những người đã cân nhắc sự thành bại, tính toán việc nặng
nhẹ mà làm, như Y Doãn, Hoắc Quang mà huynh nói tới. Y Doãn
mang dạ thành thực chí trung, giữ ngôi tể thần, ở trên trăm quan, cho
nên có thể tiến hay lui bỏ hay giữ, tính toán theo việc mà lập nên. Còn
như Hoắc Quang, ông được Hiếu Vũ đế đem nước mà ủy thác cho,
cũng là dòng ngoại thích. Bên trong có thái hậu ở cung trung nắm
chính sự, ra quyết sách, bên ngoài có các quan khanh giữ triều đường
tùy thanh phụ họa, thêm nữa Xương Ấp vương tức vị chưa lâu, chưa
có kẻ nào được quý sủng, trong triều ít có bề tôi đồng đảng, bàn những
điều cơ mật gần gũi, cho nên việc phế lập dễ như trở bàn tay, sự thành
công như bẻ cành mục.
Tào Tháo đi đến trước mặt Trần Dật, cầm lấy tay ông ta:
— Trần huynh, nay chư huynh chỉ thấy được sự dễ dàng của các
bậc tiên hiền ngày trước, mà chưa tường hết những khó khăn của bây
giờ! Huynh thử nghĩ kỹ xem, liên kết chúng đảng, thông đồng với chư
hầu, việc ấy có khác gì với loạn bảy nước năm xưa? Cho rằng Hợp Phì
hầu là tôn quý, lẽ nào lại hơn được Ngô vương Lưu Tị, Sở vương Lưu