Tào Tháo đến Lạc Dương, cửa ải đầu tiên phải đi qua chính là
phụ thân mình.
Từ sau khi Tào Tháo từ quan ở Tế Nam, Tào Tung trước sau đã
ba lần gửi thư về lệnh cho Tào Tháo về triều để bàn tính, khi đó Tào
Tháo trong lòng đã nguội lạnh, nhất loạt đều gửi lại thư cự tuyệt. Hai
người ai giữ ý nấy, tranh cãi nhau suốt. Lúc mới đầu thư từ giữa cha
con còn giữ chút ý tứ, đến sau thì cha hầm hầm khí thế có bao nhiêu
lời lẽ dữ dằn nanh nọc cũng đem dùng hết, còn con thì ngang ngạnh
thề nguyền, lấy lý tranh cãi, mâu thuẫn giữa hai cha con ngày càng
kịch liệt. Cuối năm ngoái, Tào Tung đêm ức vạn gia tư ra mua được
chức thái úy, Tào Tháo lại áp tải tiền của đến Đô Đình rồi quay về, chỉ
cách Lạc Dương có gang tấc mà không vào. Đến nay Tào Tháo lại
muối mặt quay lại làm quan, không biết Tào Tung có khinh rẻ không?
Thái úy đứng đầu trong tam công, nắm giữ các công việc quân sự
trong thiên hạ. Khi thiên tử làm lễ tế giao cúng tế trời đất thì thái úy
được sung vào chân á hiến, đất nước có chính sự thì có thể tùy ý tranh
luận can gián. Người ta nói đại sự trong thiên hạ chỉ có tế tự và binh
nhung thì cả hai việc ấy thái úy đều nắm trong tay. Tuy cùng với chức
tư đồ, tư không gọi chung là tam công, nhưng trên thực tế thì chức thái
úy vinh dự hơn hẳn hai chức kia. Dưới quyền của thái úy có một sử
quan, hai mươi tư duyện thuộc, ngoài ra còn có hai mươi ba lệnh sử
phụ trách các việc nghi trượng, bút lục, giữ cửa, hộ vệ... Một bộ xậu
cồng kềnh như vậy, tuyệt đối không phải là cơ ngơi nhỏ bé của các
chức quan nhàn nhã có thể dung nạp được. Vì vậy Tào Tung theo như
thông lệ, chuyển đến phủ thái úy được đặt ngay gần bên Nam cung để
ở và làm việc, nhà cửa ở phía đông thành thực tế chỉ có mấy người
thiếp và nàng hầu ở.
Tào Tháo hiểu tính phụ thân, tự mình tuyệt nhiên không thể mạo
muội đến phủ thái úy được. Vì vậy cho xe đi về phủ đệ trong ngõ Vĩnh
Phúc ở phía đông thành, dặn dò mọi người không được xuống xe,