khanh, chỉ đưa đến một bản tấu nói: “Lương Châu rối loạn, đám kình
nghê còn chưa diệt được, đó là lúc hạ thần phải dốc sức cố gắng. Quân
sĩ đang phấn chấn, mong báo ơn vua, ai nấy đều giữ lấy xe của hạ
thần, không muốn từ biệt, nên chưa thể lên đường được. Xin để cho
thần trước lúc lên đường, đem việc quân tận lực thi hành, dồn sức ra
trận tiền.”
Chu Tuấn hay được, chửi rủa Đổng Trác ngông cuồng, muốn lại
được làm theo cách khác, bỗng có giặc Khăn Vàng ở Hắc Sơn nổi lên
đánh lấn sang phía đông. Triều đình cho Chu Tuấn vốn có uy danh, ra
làm Hà Nội thái thú, trấn áp Hắc Sơn. Chuyện Đổng Trác tạm thời
phải gác lại. Sau đó lại phải cử hành đại lễ diễu binh, chuyện ấy cũng
dần dần bị mọi người quên lãng...
Tuy hoàng đế Lưu Hoành đã bị nhiễm phong hàn từ lâu, nhưng
đại lễ duyệt binh vẫn được tiến hành vào cuối tháng chín đúng như kế
hoạch, văn võ bá quan không ai không đến Bình Lạc quán tham dự.
Ngày hôm ấy tiết trời tạnh ráo ấm áp, mấy vạn bộ binh kỵ binh bày
trận lập doanh ở trước hoàng cung. Lưu Hoành đích thân đăng đàn
giám sát quân sĩ, khích lệ tướng sĩ bảo vệ bờ cõi, và đọc lớn lời văn
trong sách Thái công Lục thao. Thái úy Mã Mật Đê hai tay trịnh trọng
nâng tờ sách văn tuyên đọc:
— Lấy Kiển Thạc làm thượng quân hiệu úy; Viên Thiệu làm
trung quân hiệu úy; Bào Hồng làm hạ quân hiệu úy; Tào Tháo làm
điển quân hiệu úy; Hạ Mâu làm tả hiệu úy; Thuần Vu Quỳnh làm hữu
hiệu úy; Triệu Dung làm trợ quân tả hiệu úy; Phùng Phương làm trợ
quân hữu hiệu úy.
Sách văn tuyên đọc xong, Lưu Hoành tự mặc áo giáp, xưng làm
“Vô thượng tướng quân”, dẫn theo tám hiệu úy cùng kỵ binh tâm phúc
ở Tây Viên phóng ngựa ba vòng xung quanh quân doanh, để diễu võ
dương oai. Khi chạy đến vòng cuối cùng, hoàng đế đột nhiên dừng lại
trước đàn quan sát của đại tướng quân ở góc đông bắc của trận doanh,
mọi người không hiểu là ý gì, đều lũ lượt ghì cương dừng ngựa.