— Mau gọi Đổng Trọng đến đây, cùng lo tang sự! Nhất định phải
đến!
Triệu Trung thấy vậy, bèn lau nước mắt, bò vào trong điện. Thi lễ
xong, rồi lấy ngọc tỷ truyền quốc từ trên bàn xuống, nâng cao quá đầu,
chậm rãi lui ra, quay người quỳ xuống đưa đến trước mặt Hà Tiến:
— Nước không thể một ngày không vua, xin đại tướng quân mau
phụng tân hoàng đế lên chính vị.
Hà Tiến ngơ ngẩn hỏi:
— Là điệt nhi của ta đó hả?
Câu ấy của ông ta khiến tất cả mọi người đều sợ giật nảy mình!
Hoàng đế là thiên tử, phụ thân còn phải gọi là thượng hoàng, làm gì có
chuyện mở miệng ra gọi là cữu cữu với điệt nhi chứ? Ở những chỗ
riêng tư thì nói một chút cũng không sao, nhưng trước linh cữu của
tiên đế, sao có thể nói như thế được? Mọi người đều biết đó là do ông
ta ngu ngốc thô lỗ, nên chẳng ai nói lại gì. Đoàn Khuê, Tất Lam trong
đám thập thường thị đỡ Hà Tiến tiếp giá tựu vị, mọi người lũ lượt lui
về Nam cung thay áo.
Tào Tháo cảm thấy có ai đó kéo tay áo mình, quay đầu lại nhìn
thì là Tào Thuần. Tào Thuần dẫn Tào Tháo đến một nơi hoang vu mé
tây điện Gia Đức, chỗ ấy có một manh chiếu cói cuốn tròn.
— Đây chính là Kiển Thạc.
Tào Tháo hít một hơi thở sâu, lấy hết can đảm mở chiếu ra. Đập
ngay vào mắt là bộ áo tang trắng toát, ông ta không đội mũ, khăn trắng
quấn quanh đầu, trước ngực có hai vết thương máu me bê bết, khiến
chiếc áo trắng nhuộm thành màu đỏ. Khuôn mặt vuông, trán rộng vẻ
ngạo nghễ ngang tàng đã trở nên trắng bệch, khóe miệng chùng
xuống, hai con mắt hung dữ còn chưa nhắm lại, nhìn chòng chọc lên
trời xanh.
— Đệ bảo ta xem cái này làm gì? - Tào Tháo đưa mắt đi chỗ
khác, không nhìn thi thể ấy nữa.
Tào Thuần dường như có chút thương xót: