— Không đúng! Lã lãm có rằng: “Tồn vong an nguy, chớ mong ở
người ngoài”. Tướng quân không thể trông mong ở sự tương trợ của
người khác.
Tào Tháo sốt ruột bảo:
— Nếu thảo tặc bất lợi, đành chịu chết vì nạn nước cùng huynh
đệ Bào Tín vậy.
— Không đúng! Lã lãm viết: “Đến ranh giới của sinh tử, lợi hại
tồn vong không thể mê hoặc được”, chư vị tướng quân sao có thể dễ
dàng nói đến sinh tử...
— Thôi nào, Hý tiên sinh không cần nói thêm nữa! - Tào Tháo
cắt lời ông ta, - Ý ta đã quyết, tiên sinh hãy lưu lại trong doanh, đợi
chúng ta đắc thắng trở về, rồi nghe tiếp những lời dạy trong Lã lãm. -
Nói xong bước nhanh ra khỏi đại trướng.
Rất nhanh chóng, Tào Tháo, Bào Tín và Vệ Tư hợp quân một
nơi, tổng cộng được một vạn bốn ngàn binh mã, rời huyện Toan Táo
hỏa tốc tiến về Hà Nam. Bào Tín đi trước, Tào Tháo ở giữa, Vệ Tư đi
sau, binh mã ba lộ di chuyển trật tự, chưa đầy nửa ngày đã đến Ngao
Thương.
Ngao Thương là nơi hợp lưu của Hoàng Hà và Tế Thủy, khi xưa
Tần Thủy Hoàng đặt kho lương trên núi Ngao Sơn, dự trữ thóc gạo
trong thiên hạ vận chuyển vào Quan Trung. Khi Hán Sở giao tranh, rõ
ràng quân Lưu Bang không thể địch nổi quân Hạng Vũ, nhưng có thể
ở Huỳnh Dương giữ thế thủ với Hạng Vũ đến hai năm trời, nguyên
nhân chính là nhờ lương thực ở Ngao Thương giúp mới có thể chu
toàn được. Nay cảnh vật còn đó mà người đã khác xưa, từ thời nhị đế
Hoàn, Linh đến nay, trời giáng tai họa, dân không sống nổi, lương
thực ở Ngao Thương đã chẳng còn gì. Từ đây đi về phía tây nam mười
lăm dặm nữa, vượt qua Biện Thủy rồi tiến thẳng sẽ chính là huyện
Huỳnh Dương.
Thấy đã qua chính ngọ, Tào Tháo truyền lệnh nghỉ ngơi ăn cơm.
Chỉ vì binh lực quá ít, quân binh không dám nổi lửa, chỉ đem lương