những người còn sót lại cố thoi thóp sinh tồn trong chốn núi rừng này,
đang lo không có nơi nào mà đi. Nếu tướng quân không chê, tại hạ
nguyện dẫn mấy trăm người này chạy theo.
Tào Tháo thấy hơi khó xử, trận chiến khi nãy tử thương nặng nề,
dù coi như hòa, e cũng chẳng còn được bao nhiêu vốn liếng. Theo lý
mà nói giờ đây là lúc cần người, dù Nhậm Tuấn có bụng đi theo, song
biết lấy lương thảo đâu ra? Không có lương thảo, sao có thể dẫn
những người này đến huyện Toan Táo, huống chi trong doanh còn có
phụ nữ trẻ nhỏ người già kẻ yếu. Nhậm Tuấn như nhìn ra tâm tư của
Tào Tháo, nói:
— Phải chăng tướng quân lo không có lương thảo? Khi chúng tôi
cử nghĩa, sợ tiền của lương thảo bị trộm cướp mất, nên đã đem lương
thảo còn trong kho đụn ở các thành Trung Mâu, Quảng Vũ... chuyển
cả đến đây, giấu trong rừng rậm sau núi. Tướng quân dù có dăm ba
ngàn người, cũng có thể miễn cưỡng duy trì được nửa năm. Chúng tôi
binh bại mà không trốn, tất cả chỉ vì muốn bảo vệ lương thảo cung cấp
cho nghĩa quân vậy.
— Ôi chao! - Tào Tháo vô cùng kinh ngạc, nắm chặt tay Nhậm
Tuấn, - Ngài thực có mưu lược sâu xa.
— Mưu lược sâu xa thì không dám nói, chẳng qua ở đây có nhiều
dân thường, cần tìm một chỗ gửi thân. Chúng tôi ở đây vươn cổ trông
mong, mà nghĩa quân chẳng tiến binh. Nếu đốt lương thực mà đi, sao
tránh khỏi tiếc nuối. Tướng quân tuy bại trận nhưng vẫn có chí cứu
dân khỏi cơn nước lửa, dám cầm gươm xông trận. Chỉ một điểm này
cũng đủ để tại hạ cam nguyện được góp công khuyển mã. - Nói xong
Nhậm Tuấn liền quỳ sụp xuống đất.
Tào Tháo nghe thế càng thấy người này kiến thức phi phàm, vội
vàng đỡ dậy. Đợi Nhậm Tuấn tụ tập dân binh bàn tính xong xuôi,
huynh đệ Tào Tháo chẳng quản mệt mỏi, lập tức đích thân cầm đuốc
dẫn mọi người đến bên Biện Thủy tiếp ứng. Nhưng tới nơi thì hai bên
đã lui binh, chỉ cứu được mười mấy người bị trọng thương nằm đó.