sang phòng bị, dùng quân nhàn đợi quân mệt mỏi, lấy trận thế chỉnh tề
để phá quân tản mạn. Giao chiến như thế, tại hạ liệu quân của Công
Tôn tất bại.
— Hay lắm! - Viên Thiệu dường vô cùng cảm khái, - Lần trước
Tôn Văn Đài đánh Quan Trung, phá được Đổng Trác, thiên hạ đều cho
là giỏi. Ta thấy Mạnh Đức thật không kém gì Tôn Kiên.
Biết rõ Viên Thiệu khen ngợi hơi quá, Tào Tháo vẫn cố tỏ vẻ
hãnh diện.
— Chúa công, ngài có biết vì sao Tôn Kiên đánh vào Lạc Dương
rồi mau chóng hồi quân không? - Bàng Kỷ lại chủ động tiếp lời nói.
— Quan Trung hiểm trở, tiến vào nhưng không giữ được, tất phải
lui rồi. - Trong lòng Viên Thiệu cũng rất chua chát, bản thân là chủ
soái nghĩa quân tiến thẳng đến mũi nhọn quân địch mà không thể
thắng, lại để tên Thái thú Trường Sa mãi tận phương nam bộc lộ uy
phong.
— Tại hạ nghe nói, Tôn Kiên mò được ngọc tỷ truyền quốc ở
giếng hoang trong tông miếu! - Câu này của Bàng Kỷ vừa thốt ra mọi
người xung quanh lập tức lộ vẻ kinh ngạc, đó thực là tin bí mật khiến
người ta phải lo sợ.
Ngọc tỷ truyền quốc là bảo vật của đế vương các đời. Tương
truyền nó vốn được làm từ ngọc phác ở núi Kinh Sơn nước Sở thời
Xuân Thu, đó là ngọc do Biện Hòa dâng lên, nên được gọi là Hòa thị
bích (Ngọc bích họ Hòa). Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên
hạ, mới đem mài giũa thành ngọc tỷ truyền quốc. Trên ngọc tỷ có tám
chữ triện do Lý Tư viết là: “Thụ mệnh ư thiên, Ký thọ vĩnh xương”,
do tay thợ giỏi là Tôn Thọ chạm khắc.
Khi nhà Tần bị diệt, Tử Anh dâng lên Hán Cao tổ Lưu Bang, từ
đó quy về nhà Hán, truyền đến thời Ai Bình, Vương Mãng thoán vị,
thái hậu Vương Chính Quân cầm ngọc tỷ ném tên nghịch thần, làm vỡ
một góc, sau phải lấy vàng bịt lại, vì vậy dân gian còn gọi là “Kim
tương ngọc” (Vàng vá ngọc). Canh Thủy đế diệt Vương Mãng, Xích