đến chính sự, lấy Giả Hủ làm Thượng thư xử lý triều chính. Thế
nhưng bọn chúng còn thô lỗ tàn bạo hơn cả Đổng Trác, coi mạng
người chẳng khác gì cỏ rác!
Truyền rằng, hôm thành bị phá, Lã Bố dẫn thủ hạ cố đánh được
đến cửa Thanh Tỏa của hoàng cung, gọi Vương Doãn mau mau trốn
chạy. Nhưng Vương Doãn cố chấp không chạy, kêu to rằng:
— Nhờ sự linh thiêng của xã tắc, mà an định được quốc gia, đó là
điều mong muốn của ta. Còn nếu không được, sẽ đem mình vào chỗ
chết. Hoàng thượng còn nhỏ tuổi, chỉ biết dựa vào ta, khi gặp nạn lại
cẩu thả tránh né, ta không nhẫn tâm thế được. Hãy cố nhờ vả các vị ở
Quan Đông, lưu tâm gắng sức vì quốc gia.
Lã Bố thấy ông ta không đi, đành tự cướp đường mà chạy trốn.
Tư đồ Vương Doãn trước lúc chết còn ngóng trông chư vị ở Quan
Đông, hy vọng họ có thể hồi tâm chuyển ý cần vương cứu giá. Nhưng
ông ta đâu biết rằng, năm xưa các vị mục thú ở Quan Đông từng
khảng khái thề nguyền, nhưng nay họ đã quên triều đình rồi, ai nấy
đều giữ đất mưu tính cơ nghiệp bá vương riêng...
Trong lúc Vương Doãn tuẫn táng thân mình vì triều đình đại Hán,
Tào Tháo lại đang chìm đắm trong niềm hy vọng. Ông chống tay lên
mép tường nhỏ trên thành Bộc Dương, cúi nhìn đội quân của mình
đang diễu võ dương oai phía dưới, niềm vui sướng trong lòng không
thể nói hết thành lời. Sau khi mất đi cánh tay đắc lực Bào Tín, Tào
Tháo cố nén thương đau, sắp đặt lại chiến lược dẹp loạn, đích thân dẫn
binh mã, dựa theo địa thế mà lập trận phục binh, tìm hiểu kỹ càng đặc
tính của quân khởi nghĩa nông dân là ngày cày ruộng, đêm nghỉ ngơi,
nên ngày đêm phát động hội chiến, cuối cùng đã đánh lui được toàn bộ
quân Khăn Vàng. Sau đó, Tào Tháo tiếp tục dẫn quân đuổi về phía
đông, chia ra sai các bộ quân của Tào Nhân, Nhạc Tiến, Vu Cấm đuổi
theo truy giết không tha, giành lại đất đai bị mất của Nhậm Thành. Sau
rốt cuối năm đó đã đánh tan quân khởi nghĩa Khăn Vàng, số nghĩa
quân quy hàng lên đến hơn ba mươi vạn, trong đó lại lựa lấy những