Biện thi mới nghĩ đến đó, trong buồng đã vọng ra tiếng khóc oe oe. Chẳng
mấy chốc cửa buồng mở toang, Đinh thị cười vui vẻ ôm đứa bé tròn lăn
bước ra: - Tướng công tôi ơi, Hoàn muội muội lại sinh con trai nữa, trắng
trẻo mập mạp đáng yêu thế này cơ mà!
- Xa thế này mà vẫn nghe thấy tiếng khóc, giọng thằng nhỏ này thật xung
đó! - Tào Tháo cười lớn, - Chắc chắn rồi, đặt tên nó là Tào Xung đi.
Chương VI: THẢO PHẠT TRƯƠNG TÚ, KHÔNG ĐÁNH MÀ THẮNG
Không đánh mà thắng
Với thế lực hiện tại của Viên Thiệu ở Hà Bắc, Tào Tháo cũng không dám
tranh phong cùng Thiệu, lại thể theo mà nhượng chức Đại tướng quân cho
Viên Thiệu, gia phong thêm cho làm Nghiệp hầu, ban cho cung thỉ tiết việt,
hổ bôn dũng sĩ trăm người, kiêm coi sóc Ký, Thanh, U, Tịnh cả bốn châu.
Còn Tào Tháo thì bãi miễn Tư không Trương Hỷ, tự mình thay vị trí ấy,
chủ trì chính sự trong mạc phủ đổi thành chủ trì chính sự trong Tư không
phủ. Đồng thời lại chọn tộc đệ của Viên Thiệu ở Nhữ Nam là Viên Tự
bổ làm Thái thú Tế Âm, để Viên Thiệu thấy là Tào Tháo đang đối với hắn
rất tốt và rõ ràng không có hiềm tị gì, chung quy để cho một người hay đố
kị như Viên Thiệu yên lòng hơn. Mọi việc thu xếp đâu đấy, tháng Giêng
năm Kiến An thứ hai (năm 197) , Tào Tháo lần đầu thử nghiệm cái gọi
là “phụng theo thiên tử thảo phạt kẻ không thần phục” , đem quân chinh
phạt thế lực chiếm đóng ở nơi khác mà yếu nhất là Kiện Trung tướng quân
Trương Tú.
Trương Tú, người Tổ Lệ, Võ Uy, nguyên là bộ tướng cũ dưới trướng Đổng
Trác, là cháu gọi Phiêu Kỵ tướng quân Trương Tế bằng chú. Sau khi
Trương Tế trúng tên tử trận ở Nam Dương, Trương Tú thay thế tiếp quản
quân đội. Nhờ sự tiếp nạp, hỗ trợ của Lưu Biểu đương làm Kinh Châu mục
mà Trương Tú chắc chân ở Uyển Thành. Trương Tú tuy vốn nổi danh kiêu
dũng thiện chiến, nhưng khi nghe tin đại quân Tào Tháo kéo đến, tâm thần
cũng bấn loạn, liền vội tìm vị mưu sĩ duy nhất của mình để bàn đối sách.
Vị mưu sĩ ấy chính là đầu sỏ gây tội họa loạn Tây kinh ngày trước, Giả Hủ.