Thuật mới vừa xưng đế được ba tháng, liền bị rơi vào cục diện bốn bề thọ
địch.
Khi trước, Viên Thuật đã bị Lã Bố đánh bại, lương thảo các nơi ở Hoài
Nam đều bị cướp sạch. Sau lại bị quần hùng vây khốn phong tỏa, nên phải
tăng thêm lượng lớn quân lính, nhưng quân lương dự trữ của Thuật đã
không còn cách nào duy trì được nữa. Khắp đất Hoài Nam, có đào sâu
xuống ba thước, cũng không móc ra được gì nữa, Viên Thuật không còn
cách nào khác cuối cùng đành chai mặt đến Trần Quốc ở Dự Châu để xin
lương thảo. Trần vương Lưu Sủng là chư hầu tôn thất nhà Hán, quốc tướng
Lạc Tuấn là bậc trung lương của triều đình, hai người bọn họ há lại có thể
cấp lương cho giặc? Chẳng những không cho lương thảo, lại còn đánh cho
sứ giả của Viên Thuật một trận nhừ tử, rồi đuổi ra khỏi nước Trần. Viên
Thuật vô cùng tức giận, nhưng e dè trước sự anh vũ của Trần vương, nên
không dám dấy binh, chần chừ mấy bận cuối cùng đành hạ độc thủ, sai
thích khách đến hành thích Lưu Sủng và Lạc Tuấn, sau đó cho quân đến
cướp đoạt lương thảo tiền tài của Trần Quốc.
Tin tức chư hầu vương bị hành thích truyền đến Hứa Đô, trên tới thiên tử,
dưới đến bá quan không ai không kinh hãi, khắp nơi cả nước tiếng hô hào
thảo phạt ngày càng vang dội. Tào Tháo thấy Viên Thuật tội ác tày đình,
cảm thấy thời cơ đã chín muồi, lập tức điều binh khiển tướng chuẩn bị đến
đánh Thọ Xuân, định rằng sẽ diệt trừ hoàn toàn mầm họa. Để xuất chinh
lần này, Tào Tháo đã tập trung đội quân chính quy của mình ở hai châu Dự,
Duyện. Lại tập kết binh mã ở kinh sư, tổng binh lực lên tới hơn ba vạn
người, là quy mô binh lực lớn nhất của Tháo từ khi khởi binh đến nay. Vì
trận này không chỉ là sự dứt khoát cá nhân giữa Tào Tháo và Viên Thuật
mà còn là sự phân tranh chính tà giữa triều đình Đại Hán và ngụy triều của
Viên-gia. Muốn tăng thêm sĩ khí, uy hiếp kẻ địch, Tào Tháo đã tâu xin cho
được duyệt binh thệ sư ở Hứa Đô, và mời thiên tử đích thân tới xem.
Hoàng đế Lưu Hiệp ngồi nghiêm trang trên thành Hứa Đô, trên đầu có lọng
hoa năm sắc, bên trái có Tư không Tào Tháo, bên phải có Thượng thư lệnh
Tuân Úc đứng hầu, các văn võ công khanh khác cũng nối nhau sắp hàng
theo sau hai bên, và ở sau lưng mỗi người đều có một quân hổ bôn tay cầm