- Xem khắp nhân nghĩa cổ kim, Mạnh Tử có câu rằng: “Nghiêu Thuấn là
bản tính sẵn có; Thang Võ là bản thân thực hành; Ngũ bá là nhân nghĩa vay
mượn. Vay mượn lâu ngày mà không trả, nào có hay rằng bản thân họ vốn
không có nhân nghĩa?” Đến như những kẻ ở dưới ngũ bá, thất hùng, lại
càng không thể hỏi họ về nhân tâm được! - Ánh mắt Nễ Hành sáng rực,
buồn thương nhìn Tưởng Cán: - Tưởng Tử Dực, từ lâu đã nghe ông chăm
học từ nhỏ, vốn có chí cao khiết, nhưng gặp phải thói đời đạo đức suy
bại như ngày nay, há có thể làm được gì? Tưởng huynh tuy ôm đầy bụng
kinh luân, nhưng thiên hạ này há có thể dựa vào mấy vị Bác sĩ, mấy bộ
kinh điển mà có thể vãn hồi được? Dù có một ngày thống nhất trọn vẹn
được, há lại có thể khôi phục được đức cũ của Nghiêu Thuấn, thực sự cứu
vớt được lê dân trong thiên hạ? Tưởng huynh uổng có tâm đức mà lại cùng
hàng ngũ với sài lang, chẳng qua cũng chỉ là leo cây bắt cá mà thôi!
Miệng lưỡi Nễ Hành lúc đầu chỉ chửi người, giờ quay sang chửi đời, vơ tất
cả đế vương từ sau đời Tam Đại trở lại đây thành một nắm mà chửi, dường
muốn sổ toẹt hết nhân tâm trong thiên hạ vậy. Khổng Dung, Tuân Duyệt,
Tạ Cai đều không phải tâm phúc của Tào Tháo, nghe thấy câu ấy đều
không khỏi cảm thán thế thái nhân tình, mà tự thương cảm cho mình.
Tưởng Cán vẫn tự phụ là miệng lưỡi có gang có thép mà nghe Nễ Hành nói
cũng thấy hoa mắt chóng mặt, nhớ lại bản thân mình tuổi trẻ khí thịnh, ôm
trong lòng chí nguyện giáo hóa nhân thế, nhưng thói đời thế này rốt cuộc
cũng chỉ như làn khói, chợt thấy trong lòng buồn bực, đứng dậy quay sang
Tào Tháo vái một vái dài: - Tiểu nhân tài đức thấp kém không đủ gánh vác,
thực không đủ sức phò tá triều đình giáo hóa bách tính. Mong minh công
mở rộng ơn đức, cho phép tiểu nhân về nhà đọc sách thêm mấy năm nữa! -
Nói xong, liền đứng dậy cởi mũ văn sĩ xuống bàn, rồi đi thẳng ra ngoài.
Tào Tháo không khỏi giật mình: “Nễ Hành nói toàn những lời cuồng ngôn,
bản thân ông không so đo gì lắm, bởi hắn càng chửi nhiều người thì càng
đắc tội với nhiều người. Nhưng giờ đây Nễ Hành lại thản nhiên nói
ra những suy nghĩ của mình, công kích trực tiếp vào chuyện “ép thiên tử, ra
lệnh cho chư hầu” của ông. Con ngựa hại đàn ấy có thể nói cho Tưởng Cán
phải bỏ đi, ngày mai cũng có thể thuyết giáo cho người khác phải lay