Xét về quân số và trang bị, Tào Tháo không bằng Viên
Thiệu, nhưng xét về tinh thần chiến đấu của binh lính và sự rèn
luyện thì Viên Thiệu không thể bằng Tào Tháo. Tuy một bên ít
quân, một bên đông quân nhưng thế và lực lại ngang nhau. Một
trận đánh lớn như vậy, cho dù có hăng hái đến mấy cũng chỉ như
muối bỏ biển, đám dũng tướng của hai bên cũng không thể đủ khả
năng xoay chuyển được tình thế, nên việc cần làm là phải đôn đốc,
chỉ huy tốt đội quân của mình, đánh đâu chắc đấy. Giáo dài kích
lớn đều cao tới cả trượng, lại có thêm một hàng khiên để che chắn,
hai quân đứng cầm chân nhau trong khoảng hai trượng, bên này
tiến thì bên kia lui, khó phân cao thấp.
Quân Tào và quân Thiệu đều gióng trống trợ uy khích lệ sĩ
khí, binh lính cũng nhích dần lên, khoảng cách hai trượng dần
được thu hẹp, giáo, thương, kiếm, kích va vào nhau gãy rời, khắp
nơi vang lên tiếng kêu gào thảm thiết, máu tươi trào ra lênh láng.
Kẽ hở cuối cùng cũng khít lại, tiếng kêu gào của những kẻ cận kề
cái chết cũng dần nhỏ đi - trận huyết chiến đã thực sự bắt đầu!
Chỉ chớp mắt chiến trường đã sôi sục, tiếng kèn lệnh giục
giã, tiếng trống trận vang trời, tiếng hò hét, tiếng binh khí, tiếng
kêu la, tiếng ngựa hí đinh tai nhức óc hòa lẫn vào nhau. Quân Tào
cũng bị tổn thất, nhưng phần lớn đội quân tinh nhuệ vẫn hừng hực
khí thế: Trương Tú chỉ huy đội kỵ binh Lương Châu, Trương Liêu
chỉ huy đội kỵ binh Tịnh Châu, ai nấy đều giỏi cưỡi ngựa, lấy một
chọi mười; bộ binh ở hai châu Thanh, Duyện kinh qua sa trường đã
lâu, mấy lần vào sinh ra tử cùng Tào Tháo, dàn trận xông pha liều
chết, tiến thoái bài bản. Còn kỵ binh ở hai châu U, Ký do Trương
Hợp, Cao Lãm - thuộc hạ của Viên Thiệu chỉ huy cũng chẳng phải
hạng tầm thường, hơn nữa bộ binh Hà Bắc quá đông, gần như một