lính quân Tào phải chống đỡ hai ba lính quân Thiệu. Một bên là
đội quân tinh nhuệ, một bên thì lực lượng hùng hậu, khiến trận
giáp lá cà khó phân hơn thua.
Cung nỏ và khiên chắn lúc này đã trở thành những thứ đồ vô
dụng, người nào người nấy máu me đầy người, phục trang không
còn nhìn rõ, chỉ có thể dựa vào cảm giác và giọng nói để xác định
đó là địch hay ta. Đội kỵ binh xông vào trận địa rối loạn, binh lính
xả thân quên mình. Đao, thương, kiếm, kích va vào nhau loảng
xoảng, chốc chốc lại thấy ánh lửa tóe lên. Thủ cấp dưới đất bị
người ngựa giẫm đạp lăn lông lốc, tay chân người bị chặt đứt văng
khắp trời, ngực và cổ bị giáo đâm máu chảy như suối, vậy mà
tướng lĩnh hai bên vẫn ra sức gào thét xông lên, binh lính vung
thương múa đao cố vùng vẫy giành giật sự sống trong vũng máu.
Trận huyết chiến này kéo dài từ giờ Mùi cho tới cuối giờ Dậu vẫn
không có dấu hiệu dừng lại.
Tào Mạnh Đức và Viên Bản Sơ đứng trong biển máu, tay
nắm thành quyền, lông mày nhíu chặt, mồ hôi vã ra đầy trán, cả hai
đều kinh hồn bạt vía trước cảnh tàn sát kinh hoàng đang diễn ra
trước mắt, mãi khi trời tối mới hoàn hồn. Tào Tháo lệnh cho Tào
Thuần truyền lệnh thu quân, gần như cùng lúc, Viên Thiệu cũng sai
Thẩm Phối gióng trống thu quân. Trong cảnh nhập nhoạng, thế trận
hai bên tựa như hai con rồng khổng lổ đang quấn chặt vào nhau
không tách ra được, có những kẻ điên cuồng chém giết, đả thương
nhầm không ít người của mình. Đến khi trời tối hẳn, quân Viên và
quân Tào mới dồn quân, ổn định lại thế trận, kéo người bị thương
lê từng bước quay về doanh trại...
Cuộc tàn sát kết thúc, Tào Tháo vẫn thấp thỏm không yên
quay về Quan Độ. Các tướng lĩnh ổn định lại đội hình, chẳng buồn