sát sao để ý diễn biến trên chiến trường, định chớp cơ hội cho Tào
Tháo nếm thử mùi vị của hàng vạn cung tên được phóng ra cùng
một lúc là như thế nào. Chẳng ngờ cờ lệnh vẫn chưa giương lên,
Lưu Bị đã chạy ra ứng chiến trước, vậy chỗ cung tên này bắn ra để
giết ai đây? Thẩm Phối liền vứt cờ lệnh rồi thúc ngựa chạy tới chỗ
Viên Thiệu: - Chúa công, Lưu Bị đã ra ứng chiến, phải làm thế
nào?
Địch ít ta nhiều thì việc gì phải sợ? - Viên Thiệu vừa thấp
thỏm vừa kích động, ông ta thận trọng rút thanh bảo kiếm đeo ở
ngang hông ra, nhưng vì thân phận nên không thể hò hét, chỉ giơ
kiếm hô vang: - Truyền lệnh, toàn quân xung kích, xông lên cho ta!
- Hiệu lệnh truyền xuống, Cao Lãm ở tiền quân nôn nóng đã lâu,
nghe vậy liền vội dẫn quân xông lên. Đội cung nỏ ngừng bắn,
trung quân của Viên Thiệu ồ ạt xông vào tấn công quân Tào, khí
thế hừng hực dời non lấp biển, quân cánh tả và cánh hữu cũng
hành động theo.
Tào Tháo tuy không muốn đánh, nhưng nhìn thấy khí thế
tiến công của địch như vậy, đành phải dốc sức cự lại. Ông rút kiếm
hô to: - Tiêu diệt Viên Thiệu, bảo vệ triều đình, theo ta xông lên! -
Kinh nghiệm cầm quân của Tào Tháo hơn hẳn Viên Thiệu, trên
chiến trường, nhất cử nhất động của chủ soái đều liên can đến toàn
bộ cục diện, cho nên chỉ cần khác nhau một câu giữa “xông lên cho
ta” với “theo ta xông lên” , hiệu quả khích lệ tinh thần binh lính
cũng khác nhau hoàn toàn. Kỳ thực, Tào Tháo cũng không thể chủ
động xông lên tuyến đầu, ông chỉ đốc thúc đội kỵ binh tinh nhuệ
lao lên một đoạn rồi phi chậm lại, nhưng các cánh quân cứ thế tích
cực hưởng ứng, hăng hái xông lên giết địch.