công tử khi nãy của mình, sửa lại áo quần chắp tay nói, - Dám hỏi tiên
sinh quý tính đại danh, cùng quý quán nơi nào?
— Không dám. - Người ấy nghiêm cẩn đáp lễ - Tại hạ là Ngô
Chất, người huyện Định Đào, Trần Lưu.
— Từ lâu đã ngưỡng mộ! - Kỳ thực Tào Phi chưa từng được nghe
về ông ta, nhưng nghe ông ta giảng giải về thơ, liền biết rằng ông ta
cũng là người hiểu biết. - Khi nãy ta có trò chuyện với Lưu Công Cán,
ông ta nói thơ này chỉ có ý tương tư, ta cứ tưởng rằng mình viết chưa
đủ công lực, khiến khéo thành vụng mất rồi! Tiên sinh đúng là tâm
nhãn tinh tường.
Ngô Chất chẳng những hiểu thơ mà còn rất hiểu nhân tình:
— Lưu Công Cán chẳng phải là không hiểu rõ ý của bài thơ, mà là
cả ngày lo lắng việc thư trát nên thiếu mất mấy phần tâm cảnh bình hòa
mà thôi. Thứ cho tại hạ nói thẳng, với địa vị của công tử chẳng phải là
dễ dàng viết ra được bài thơ này, những lời cảm khái thế tất phải có
cảm ngộ mới phát ra được, phải chăng công tử có chuyện gì không
được như ý?
Tào Phi đỏ mặt, chuyện này sao có thể dễ dàng tâm sự được. Bèn
xua xua tay nói:
— Chẳng qua chỉ là chút phiền muộn trong lòng, không có gì to
tát cả, tâm tư chợt đến ngẫu nhiên làm thơ thôi.
— Ồ. - Ngô Chất không hề phản bác, ngâm nga bài thơ một lần
nữa, trầm giọng nói, - Có mấy câu này, tại hạ cứ nói chơi, xin công tử
cũng nghe chơi, nếu như có chỗ không đúng, xin lượng thứ cho. Tại hạ
nghe phong thanh Tào công cũng rất thích thơ phú, tinh thông Kinh
Thi, am tường âm luật, nhưng khi ở vào độ tuổi công tử hiện nay cũng
chưa chắc đã viết được tác phẩm thế này. Công tử đã là con hơn cha
rồi, nhưng... - Ông ta nói được nửa câu, đột nhiên chau mày ngừng lại.
— Nhưng sao?
— Tại hạ khuyên công tử một câu, bài thơ này tuyệt đối không
nên để cho lệnh tôn đọc.