vệ Tương Dương, chứ không có ý định chinh chiến lên phía bắc, như
nay có được Nam Dương trong tay, có thể thấy đủ mà dừng. Nếu dung
túng cho Lưu Bị tiếp tục tiến lên phía bắc, nhúng tay vào Nhữ Nam,
hoặc là tiến thêm một bước tấn công Hứa Đô, thì Lưu Biểu kia có hay
ho gì không? Còn như việc không giải quyết nói, Lưu Bị chiến bại,
chúa công thuận thế đánh xuống, chiến hỏa lan đến Tương Dương, ông
ta tất sẽ mắc họa. Nhược bằng Lưu Bị may mắn mà thắng, sẽ nhân thời
cơ tự lập mà phản lại ông ta, Lưu Biểu há chẳng phải là vừa trừ được
một kẻ địch, lại lập nên một kẻ địch mới ư?
— Câu này có lý! - Tào Tháo chợt tỉnh ngộ - Nếu đã như vậy, nên
xử trí thế nào?
Quách Gia vốn đã có sẵn biện pháp:
— Có thể sai sứ giả vượt qua Lưu Bị, trực tiếp tìm đến Lưu Biểu
để nghị hòa, đem quận Nam Dương tạm thời nhường cho Lưu Biểu, chỉ
giữ lại Diệp Huyện làm đường thông xuống phía nam sau này, ông ta
nhất định sẽ lập tức gọi Lưu Bị bãi chiến về đồn trú, chiến sự trước mắt
có thể hóa giải được.
— Ờ... - Cách làm ấy dường như có thể thực hiện được, nhưng bắt
Tào Tháo phải cúi đầu cầu hòa với Lưu Biểu, cũng làm mất không ít uy
danh.
Vừa hay khi ấy, Giả Hủ thuận miệng lẩm bẩm một câu:
— Thực ra Lưu Cảnh Thăng rất đa nghi.
Quách Gia nghe thấy câu ấy, chợt lóe lên một ý, vội nói:
— Chúa công cũng không cần phải cúi đầu cầu hòa, có thể sai
người đến Tương Dương phao tin, nói rằng uy thế của Lưu Huyền Đức
không thể đương nổi, chúa công đã có ý lui quân, Lưu Biểu kia chắc
chắn sẽ chủ động đến tìm chúng ta để nghị hòa.
— Hay! Vậy cứ theo như kế của Phụng Hiếu.
Giả Hủ chắp tay nói:
— Nếu như ý chúa công đã quyết, tại hạ xin được cáo lui.