nhau. Chợt thấy Tào Tháo lại lên ngựa đi tiếp, những cái đầu vừa mới
hơi ngẩng lên liền vội vàng cúi thấp xuống...
Dọa đánh Tôn Quyền
Trương Hoành là sĩ nhân ở Quảng Lăng, vì chiến loạn mà lánh nạn
sang Giang Đông, sau được Tôn Sách đem lễ đến mời ra đảm nhiệm
chức Chính nghị Hiệu úy, cùng với Trương Chiêu ở Bành Thành là
mưu sĩ trong quân, giúp Tôn Sách khai mở cơ nghiệp ở Giang Đông,
người đời thường gọi là “Giang Đông nhị Trương”
. Sau này họ Tôn
cường thịnh, đánh tan Lưu Huân ở Lư Giang, Hoàng Tổ ở Giang Hạ,
liền sai Trương Hoành đến Hứa Đô dâng biểu, danh nghĩa là dâng biểu
tỏ lòng tôn sùng triều đình, nhưng thực tế là muốn thị uy với Tào Tháo.
Khi ấy Tào Tháo còn đang chuẩn bị cho trận đánh Quan Độ, đâu dám
tự tiện gây chuyện, chỉ còn cách kết thân với họ Tôn, lại lấy danh nghĩa
thiên tử phong cho Trương Hoành làm Thị ngự sử, giữ lại trong triều,
lại đặc biệt nhắc nhở Tuân Úc, Khổng Dung táng thêm đãi ngộ với ông
ta. Nhưng ngày vui ngắn ngủi, Tôn Sách nhân khi Viên, Tào trai cò mổ
nhau để làm ngư ông đắc lợi, lại không ngờ bị Trần Đăng đánh tan, rồi
trên đường bắc phạt lần thứ hai bị hành thích phải mất mạng.
Tôn Sách chết rồi, Tào Tháo tự nhiên không còn sự uy hiếp ở
Giang Đông nữa, vị sứ giả Trương Hoành đang có chỗ dựa vững chắc
bỗng dưng trở thành cá nằm trên thớt, bị Tào Tháo nắm chặt trong tay.
Mỗi ngày của ông ta ở Hứa Đô dường như dài cả năm vậy, ngày nào
cũng thấp thỏm như đi trên băng mỏng. Đặc biệt từ sau khi Tôn Quyền
tiến đánh tiêu diệt Lý Thuật trước, tình cảnh của Trương Hoành lại
càng khó xử, trong lòng có thể nói là buồn vui lẫn lộn. Vui là vì Tôn
Quyền đã không phụ tráng chí của cha anh mình, có thể là một minh
chủ đáng đi theo; buồn là vì thế lực của Tào Tháo đã vững chắc, Giang
Đông không còn là đối thủ nữa, đột kích Lư Giang sớm quá sẽ để lộ ra
mũi nhọn của mình.