yếu của số đông người, chủ hiệu "Ông Trăng" mới lập cái kế "chữa khoán".
Phong, lao, cổ, lại, bốn chứng đó, các sách Tàu đều cho là bệnh bất trị, cho
đến các nhà y học Âu Tây cũng chưa tìm được cách chữa chắc chắn. Vậy
mà chủ hiệu "Ông Trăng" dám nhận chữa khoán hết thảy. "Chữa khoán
bệnh lao", "Chữa khoán bệnh hủi"... bức màn trắng treo trên cửa hiệu, luôn
luôn nêu mấy dòng thật lớn như thế, và nói rõ rằng "nếu không khỏi không
lấy tiền", bệnh nào cũng vậy. Tưởng là thực, kẻ có bệnh theo nhau mà đến,
nhiều nhất là người mắc bệnh lao. Lúc này tư cách chủ hiệu đã tiến hơn
trước, nghĩa là hắn đã đọc qua vài cuốn sách thuốc quốc ngữ, nhớ được ít
tên thuốc và tên mạch để làm sáo mà tiếp con bệnh.
Cũng hỏi chứng, cũng xem mạch, cũng giở sách thuốc nói quàng nói
xiên, rồi tùy từng mặt mà nặn tiền, có thể nặn được đến đâu thì hắn nặn đến
đấy. Nhưng vô luận bệnh gì, hắn đều bắt đặt một nửa tiền, tính theo cái giá
đã khoán. Ngó những lộ bộ, quạt lông, điếu ống xe dài thườn thượt, kẻ có
bệnh cố nhiên không ai dám trả rẻ tiền. Nhưng trong khi đặt một nửa tiền,
người ta cũng đành bắt ông chủ viết cho cái giấy. Bạn đọc thử nghĩ giấy ấy
viết ra sao?
"Một bên là ông X. - chủ hiệu "Ông Trăng", một bên là ông Y. - người
có bệnh lao ở phố P., đã bằng lòng với nhau những điều sau này:
"Ông Y. xin thuê khoán cho ông X. chữa bệnh lao của mình, và thuận
trả ông X. một số là 100 đồng. Nay hãy đặt trước 50 đồng, khi nào khỏi
bệnh sẽ trả nốt 50 đồng nữa. Ông X. nhận của ông Y. 50 đồng, phải chữa
cho ông Y. thật khỏi. Nếu không khỏi thì ông X. phải trả lại cho ông Y. số
tiền đặt trước ấy. Nếu ông Y. nửa chừng bỏ dở thì số tiền đặt trước ấy, ông
X. không phải trả lại". Giấy là vậy, còn thuốc thế nào? Thiên môn, mạch
môn, khoản đông, tử uyển, một mớ vị thuốc nhuận phế đó, hắn luyện thành
viên, hắn nấu thành cao, đưa mãi cho người ta uống. Thuốc như vậy, đời
nào mà chữa cho được bệnh lao! Bệnh không khỏi, kẻ ốm đem giấy đến
hiệu, đòi lại số tiền đã đặt. Chủ hiệu chỉ phải đáp lại một câu: