TẬP ÁN CÁI ĐÌNH VÀ DAO CẦU THUYỀN TÁN - Trang 34

như trước.

Tựa cái sức mạnh của đông người, họ không cần trói, chỉ giữ bằng bàn

tay không, thế mà ông lợn cũng chỉ há mồm mà kêu eng éc, không thể động
cựa, dù mà sức lực "ông ấy" to lớn gần bằng con trâu. Cái xanh đựng muối
đã được một người xách lấy hai quai và hứng dưới cổ con vật đáng thương.

Một người khác xắn gọn hai ống tay áo, lăm lăm cầm con dao bầu

đâm vào cổ nó, giữa lúc hai người béo lớn lật đật khiêng nồi nước sôi đi
sau, để cho một người nhanh nhảu cầm gáo múc nước giội vào mông nó.

Bấy giờ công việc mới càng túi bụi! Tiết ở cổ lợn cứ việc chảy ra lòng

xanh, nước ở trong gáo cứ việc đổ vào mông lợn, người bưng cái xanh,
người cầm cái gáo, người khiêng cái nồi nước sôi cũng như những người
túm bốn chân lợn, đều chạy như bắn. Ra khỏi đầu đình bốn tốp chia ra bốn
ngả, tốp nào về nhà chủ lợn tốp ấy. Sao mà tài quá đi mất! Cả đám đều chạy
như thế, mà không người nào giày xéo lên chân người nào, tiết lợn cũng
không vung vãi ra đất một giọt.

Theo sau một đám, để coi cho biết cứu cánh của cuộc tể sát lạ đời, tôi

bỗng nghĩ đến cái cáng. Người ta bảo chính vua Quang Trung đã chế ra thứ
đồ vận tải ấy.

Bấy giờ, quân Tôn Sĩ Nghị đã vào đóng trong thành Thăng Long. Vua

Quang Trung muốn gấp đường tiến binh cho kịp đánh họ một trận vào dịp
nguyên đán, vì sợ lính tráng họ đi suốt ngày suốt đêm, tất nhiên ai nấy nhọc
mệt không đủ sức mà đánh giặc, ngài mới nghĩ ra cái cáng để các quân sĩ
cắt lượt nhau hai người khiêng cho một người ngủ.

Sách Tàu có một truyện giông giống như thế.

Tôi không nhớ là viên tướng nào, chỉ nhớ trong khi gấp đường tiến

quân, viên tướng ấy đã bắt quân lính đổ gạo đổ nước vào các xanh lớn, rồi
hai người khiêng, một người vừa đi vừa cầm đuốc mà đốt dưới xanh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.