Nhưng chức vị của ông bắt ông phải hoãn. Trước bóng nhà thánh, ông
không được tự do để tâm lực vào cái công cuộc "nước chảy qua sân" nếu
ông giữ đúng luật lệ của làng đã định.
Thế rồi, một hôm làm xong công việc đèn hương, vẫn cái vẻ rầu rầu,
ông than thở trước mặt tôi: "Tôi sắp mất nghiệp cậu ạ".
Và rồi từ đó trở đi, ông càng chăm việc lễ bái hơn trước. Nhưng cái vẻ
rầu rầu vẫn bao phủ trên nét mặt ông thêm ba tháng nữa.
Bữa ấy, tôi đi bình văn vừa về đến nhà, thì vừa được nghe một câu đầy
giọng đắc ý của ông chủ trọ:
- Cậu thử ra đình mà xem, hôm nay làng tôi ăn vạ lão Đám Phức đấy.
Vừa nói, ông lão vừa tất tả đi thẳng ra cổng, như có việc gì cần kíp,
không để cho tôi hỏi thêm câu nào.
"Ừ, ăn vạ cũng là quốc tục của người Việt Nam, mình phải coi cho
biết cảnh tượng của nó". Tôi nghĩ thế, và đủng đỉnh dạo ra chỗ gốc cây trên
hồ trước đình như kiểu mọi ngày vẫn đi hóng mát.
Trên đình, dưới nhà tiền tế, hai bên giải vũ, chỗ nào cũng đầy những
người. Với bộ mặt sầu não của kẻ có tội, ông Đám Phức đương ngồi gãi tai
ở trước chiếc chiếu của
bọn hương dịch. Ông chủ nhà tôi cũng có ở đấy và đương cất cái
giọng sang sảng đáp lại những sự nằn nì của ông quan đám đáng thương.
"Ông nói không thể nghe được. Mình đã hầu hạ nhà thánh, vợ vẫn
chửa bĩnh ruột ra. Thế mà còn bảo xin chạ châm chước, thì phỏng châm
chước làm sao? Chúng tôi cũng nể ông lắm, nhưng mà lệ làng như thế,
không ai dám bỏ. Nếu như chúng tôi không ăn vạ ông, lỡ ra nhà thánh quở
phạt, liệu dân làng này có yên được không?"