một bước mặc lòng, phải nhớ đội nón, đi guốc và mặc quần đỏ. Bởi vì quan
đám tức là một người luôn luôn ở cạnh nhà thánh, phải kiêng đội trời, kiêng
giẫm đất, kiêng mặc đồ trắng.
Suốt trong một năm tại chức, quan đám ban đêm phải ngủ tại đình,
ban ngày không được đi ra khỏi làng.
Ngoài những công việc thắp đèn, thắp hương, lau chùi đồ thờ, quét rũ
mạng nhện ở đình và đền, quan đám cũng được cất nhắc việc riêng của nhà
mình, nhưng phải kiêng những việc ô uế như gánh phân, gánh tro, hay là
giặt dịa, may vá quần áo cho vợ.
Người ta cũng cho phép quan đám được dự những đám ăn uống do
người trong làng mời đi, nhưng phải kiêng những đám ma tươi và những
nhà mới có người chết.
Trong hạn tại chức, chẳng may bị có anh em họ mạc qua đời, quan
đám dù không bước chân đến cửa tang gia, nhưng chiếu luật, mình phải để
trở người bất hạnh ấy, thì phải lập tức sửa một cơi trầu lễ tạ nhà thánh và có
lời từ chức với làng, để cho làng bầu người thay chân. Nếu không thế, sẽ bị
bãi chức.
Một điều đáng sợ hơn hết, ấy là cái nạn vợ chửa.
Đã là quan đám, phần nhiều vợ không thể chửa, vì đã già rồi. Chỉ có
người nào còn có bà hai, bà ba, thì mới phạm vào điều đó.
Nội các luật lệ của làng đã định, quan đám làm trái điều nào cũng bị
phạt cả, nhưng các tội khác, người ta chỉ phạt nhè nhẹ. Đến như cái tội vợ
chửa, thì phải chịu phạt rất nặng. Bởi vì, nó là tang chứng, tỏ rằng trong khi
hầu hạ nhà thánh, quan đám đã dám làm việc ô uế.
Với làng Th.S., ông Đám Phức chính là một người đã được dân làng
và đức thượng đẳng làng ấy chính thức cho làm quan đám. Tất nhiên ông