luật. Cái việc chùi dao ở làng tôi cũng theo với việc thái thịt, đều là chức
trách của bàn ba.
"Con ỷ sau khi cạo lông, moi ruột, rửa cọ cho thật sạch sẽ, mấy ông đồ
tể xúm nhau khiêng lên để vào cái nong đặt trên sân đình, và trình với làng
công việc của mình đã xong, bấy giờ các ông hương trưởng dõng dạc ngồi
trong chiếu cạp ra lệnh cho bọn bàn ba làm lễ.
"Theo lệ làng tôi, thịt ỷ chỉ để cái sỏ và một bộ lòng cúng thần, còn
bao nhiêu chia cho người làng. Ai ở ngôi trên thì được phần to, kẻ nào ngôi
dưới thì được phần nhỏ, trật tự hương thôn là vậy.
"Nhưng sự long trọng không ở những miếng thịt phần, nó ở cái sỏ để
cúng thần đó.
"Khi đã được lệnh của ông hương trưởng, một người ở đầu bàn ba
cầm con dao thường cắt một miếng nầm...".
Nói đến tiếng "nầm", ổng lại nhìn tôi và hỏi:
- Anh có biết "nầm" là gì không? Nó là dải thịt ở bụng con lợn, chạy
theo chiều dài của một dãy vú.
"Thịt ấy ta thường gọi là thịt bụng, tiếng chuyên môn của phường đồ
tể kêu là thịt nầm. Tôi không hiểu người bàn ba ấy có phải luyện tập gì
không, mà sao hắn cắt miếng thịt khéo quá. Số thịt đó chỉ được một cân, lệ
làng như vậy. Người không thạo nghề, thì cắt làm sao cho đúng, nếu không
thừa ra vài lạng, tất nhiên cũng thiếu vài lạng. Đằng này không, miếng thịt
của hắn cắt ra, bắc cân lên cân vừa đúng một cân, không hơn kém một đồng
nào hết. Lúc đầu tôi còn ngờ là sự ngẫu nhiên. Về sau hỏi ra mới biết,
người nào lên đến bàn ấy, cũng có cái diệu thủ (2) ấy.
"Thì ra những bàn ba làng tôi hình như trong mắt đã có một quả cân
riêng, họ định bao nhiêu là được bấy nhiêu, không phải dùng đến cân nữa.