- Con dao quý ấy rèn bằng gì, hình dạng ra sao? - Nhân lúc ông nghỉ
để hút thuốc lào, tôi bèn hỏi xen câu đó. Ông thở khói thuốc rồi đáp:
- Nào nó có khác gì các dao thường. Chẳng qua cũng rèn bằng sắt và
thép, hình dạng cũng bầu và nhọn như con dao bầu của hàng thịt vậy. Sở dĩ
quan hệ, chỉ tại chức vụ của nó. Anh nên biết rằng: Với làng tôi, con dao ấy
chẳng kém gì viên truyền quốc ngọc tỉ của các vua chúa bên Tàu, ngày
thường nó vẫn được ông thủ từ cất kín ở trong hậu cung, chỉ có khi nào giết
ỷ thì mới lấy ra. Và không phải rằng lấy ra thì đem dùng liền. Việc quỷ thần
đâu có giản dị như thế! Cho được cầm con dao ấy để cắt miếng thịt, còn
phải có nhiều thủ tục lôi thôi. Nếu anh chưa từng nghe ai kể chuyện, quyết
không thể nào tưởng tượng ra được.
- Thì cũng đến đem dao mà mài hoặc rửa chứ gì. Hay là làng anh lại
còn làm lễ xin "động dao" nữa?
- Không! Một làng văn vật như làng tôi, khi nào lại có cái lễ "con nít"
đến vậy? Trước khi dùng con dao ấy, người ta cũng có mài qua làm phép.
Nhưng, cái đó không phải là việc quan hệ. Điều tôi muốn nói là việc chùi
con dao ấy.
"Những làng cẩu thả dùng thứ dao thường thái thịt cúng thần, ít khi họ
chịu lau chùi. Hay có lau chùi đi nữa, thì họ cũng chỉ dùng cái giẻ lau bằng
tấm vó cũ hay mảnh áo
rách mà thôi. Có phải thế không? Làng tôi khác hẳn. Người ta chùi
dao bằng thịt! Tôi đã chứng kiến một cuộc chùi dao tại đình. Kể ra cũng
hơi phiền phức. Nếu chưa trông thấy ai làm bao giờ, có lẽ người nào cũng
không làm được đúng lệ của làng.
"Anh đừng tưởng rằng: Dao làng đã lấy ra đó, ai chùi thì chùi, người
nào muốn chùi cũng được. Công việc đình trung bao giờ cũng theo ngôi
thứ. Đến ngôi nào thì làm việc nào, làng đã có lệ nhất định như một đạo