trán da đồng, hàng phiên, các hội viên ấy thi nhau xưng hùng bá ở dãy hàng
lợn. Bất cứ kẻ mua, người bán, nếu không qua tay họ không xong.
Nghề ấy rất có sức mạnh, nó đã làm cho cả làng biến thành quân thù
của văn học. Họ cũng học đấy, song mà không cần phát đạt. Trong cái thời
đại Hán học dằng dặc gần một nghìn năm, họ chỉ góp với các xứ một ông
Tú tài. Từ ngày Tây sang đến giờ, chưa có người nào thi đậu Cao đẳng tiểu
học.
Nhưng mà người họ rất thọ.
Các làng Bắc Kỳ, phần nhiều có lệ năm mươi nhăm tuổi thì được lên
lão. Những ông gọi là lão nhiêu đáng lẽ phải đóng thuế thân thêm sáu năm
nữa mới được miễn trừ, song vì tục dân trọng lão đã quen, cho nên dân phải
vui lòng chia nhau gánh đậy (1) cho các lão ấy. Làng này hơi khác. Hạng
lão của họ già hơn hạng lão các nơi năm tuổi, bởi vì cái tuổi lên lão của họ
phải đúng sáu mươi. Vậy mà số lão ở đây mới đông làm sao! Có thể bằng
một làng nhỏ.
-----
(1) Gánh đậy: Chịu phần trả bù lại cho đủ.
Chợ Sa họp vào ngày sáu, ngày một. Trong những ngày ấy, khoảng
chín, mười giờ, đứng ở cổng chợ phía bắc, người ta sẽ thấy những ông tóc
bạc, râu dài, lộc chộc chống chiếc gậy trúc kéo vào trong chợ từng lũ. Rồi
đến buổi chiều, cũng ở chỗ ấy, từng đoàn gậy trúc lại đưa những ông cụ ấy
trở vào cổng làng với những bộ mặt đỏ như mặt trời và những hơi thở sặc
sụa mùi rượu.
Các cụ no say về lợn. Bao nhiêu con lợn đem đến bán ở chợ Sa đều
phải nộp thuế cho các cụ cả.