Hiện nay các làng nhà quê, nhất là nhà quê ở Bắc Kỳ, làng nào cũng
có thờ cúng thành hoàng.
Số ngạch thành hoàng của các làng thường không hạn định, hoặc một
làng thờ năm bảy vị, hoặc năm bảy làng thờ chung một vị. Thành hoàng
nghĩa là vua của một thành, tức là vua của một vùng vậy.
Nơi thờ thành hoàng, mỗi làng đều có hai sở, một sở là
đình, một sở là đền (có làng gọi là miếu). Ngày thường bài vị của
thành hoàng vẫn để ở đền. Đến kỳ vào đám, dân làng mới sắm sửa hương
án long đình, các thứ nghi trượng tới đền rước Thần bài về đình mà thờ
trong một hạn năm mười ngày hay nửa tháng một tháng chi đó. Lúc ấy ở
đình thường thường tế lễ chèo hát, đèn hương thắp suốt ngày đêm. Tới
ngày rã đám, dân làng lại rước Thần bài sang đền.
Tư cách thành hoàng của các làng không nhất định là hạng người nào:
làng thì thờ những tôi trung gái liệt, làng thì thờ những quỷ lạ ma thiêng, lại
có làng thờ cả thằng ăn trộm, đứa ăn mày nữa.
Mỗi vị thành hoàng đều có một bản tiểu truyện, các làng gọi là thần
tích hay sự tích. Bản thần tích ấy chép ông thành hoàng lúc còn sống thân
thế ra sao, lúc chết đi thiêng liêng thế nào. Những thần tích đều có trình qua
bộ Lễ, để xin sắc mịnh cho thành hoàng.
Theo lệ của bộ Lễ, những vị thành hoàng nào đã có sự tích rành rọt,
dân trong hạt đã nói là linh thiêng, thì đều được sắc mịnh tất cả.
Lộc Hà
Đông Phương, Số 476 - 8.7.1931