lang trước không biết làm thuốc, bệnh là bệnh âm hư mà dám dùng những
thứ tử tô, phòng phong, láo quá. Rồi cụ kê một cái đơn cụ gọi là bài lục vị,
cụ dặn ba thang thì khỏi. Người nhà theo đúng lời cụ.
Uống hết thang thứ nhất, chẳng biết thuốc trúng bệnh hay anh Xuân đã
hết bồ hôi mà không thấy bồ hôi ra nữa, nước cũng đỡ khát nhưng lưỡi lại
đen thêm, và cả ngày nằm ly bì không cựa. Đến thang thứ hai thì các chứng
cũ vẫn y nguyên, lại phát thêm chứng đầy, nhưng người nhà vẫn tưởng là
bớt. Uống thang thứ ba thì bụng phát trướng, trước còn bí tiểu tiện, sau bí
cả đại tiện. Bấy giờ ông bà đã rối như canh hẹ, mới thải cụ lang ấy, đồng
thời rước hai cụ khác. Cái lệ cụ lang đến sau vẫn phải công kích cụ lang
chữa trước là cố nhiên rồi. Hai cụ này cũng không đồng ý kiến với nhau.
Cụ thứ nhất bảo bệnh nhân mạch trầm vi, đó là hỏa suy dương hư, theo như
sách Phùng Thị đã dạy, phải dùng bát vị xung sâm. À phải có quế thật tốt
mới được. Cụ thứ hai nói cả hai tay mạch đều khẩn thực, nó là nhiệt tà uất
kết, phải hạ mới khỏi. Ấy mới rầy, cùng một cái phập phồng ở mạch máu,
mà một cụ gọi là trầm vi, một cụ gọi là khẩn thực, chính cái tay của người
bệnh lại không biết cãi, thì biết nghe ai bây giờ. Thế nhưng hai cụ vẫn cứ
cãi nhau, cụ thứ hai bảo uống sâm quế thì chết, cụ thứ nhất bảo hạ thì
không gỡ được.
Rút cục cụ thứ nhất thắng, vì đã nói đến sách Phùng Thị, thứ sách mà
nhà chủ nghe nói là môn vương đạo. Vả lại, thuốc có sâm quế, nhiều vị
trọng, khiến cho người ta dễ tin. Uống một thang chỉ thấy hai mắt đỏ ngầu,
còn các chứng vẫn đâu đóng đấy.
Uống một thang nữa, đại tiện vẫn bí như trước, lại thêm được chứng
nói mê nói sảng, hơi thở cực to và mau.
Ông bà lúc này mới tin cụ lang thứ hai hôm nọ nói phải, lật đật sai
người rước cụ đến. Đắc thế, cụ mắng chủ nhà, cụ mắng các bạn đồng
nghiệp, tưởng như tức khí sắp bốc lên tận mây xanh. Nhà chủ nằn nì mãi,
cụ mới hơi dịu nét mặt và rung đùi nói mát: