tiến bước xuống phía nhà bếp thì chợt một bàn tay nắm cụ lại, trước một
câu nói sốt sắng thế này:
- Cụ ơi, cụ hãy vào đây với con!
Đó là một khách trẻ tuổi, mà cụ không nhớ rõ tên, âu phục chải chuốt
khiến cụ kính nể lắm.
- Con tấp tểnh cũng làm được một bài hát để mừng cụ, chẳng biết hay
dở như thế nào, xong cũng xin mạn phép các quan khách đây một phen...
Người ấy mời cụ ngồi xuống ghế, đưa ra một bài thơ bằng mực đen
giấy trắng, lại nhét luôn cả cái dùi trống vào tay cụ nữa, nói tiếp:
- Bài hát mừng cụ thì xin cụ thưởng thức mấy tiếng trống cho chúng
con cùng nghe.
Thẹn quýnh cả người, cụ Phán Uyên đẩy cái trống ra, ấp úng:
- Văn chương của ông... thì xin... để phần ông, vì thật tình, tôi cũng
không biết đánh trống cô đầu.
Rồi cụ giương mục kỉnh lên đọc bài hát nói ấy; xong mỗi câu lại thấy
mặt cụ vui tươi thêm lên. Sau cùng, cũng không biết bình phẩm dài lời, cụ
chỉ đưa trả tác giả bài hát với cái dùi trống và từ chối:
- Hay lắm! Nhưng mà tiếc rằng tôi không biết đánh trống, để xin ông
cho nghe... Văn hay lắm!
Khi đưa cho đào nương mảnh giấy, cụ rất hổ thẹn, thấy rằng mình quê
mùa một cách đáng giận, và thú ả đào quả thật là một thứ văn chương tao
nhã thật, chứ không phải chỉ là những trò bậy bạ như người ta vẫn nói xưa
nay.
Cố nhiên, tác giả những câu hát nói kia nhất quyết chối từ. Cuối cùng,
danh dự thưởng văn về tay người cao chức nhất bàn tiệc, là quan Bố
Chánh, ông anh họ nhà vợ của cụ chủ. Quan Bố gọi cụ Phán đến ngồi bên
mình, rót một cốc rượu nhỏ để trước mặt cụ, giao hẹn bằng một thứ tiếng
đồng sang sảng, nghiêm nghị và đáng sợ như những lệnh ban ra giữa công
đường:
- Đây, cứ mỗi tiếng chát thì ông lại cạn một cốc rượu, vì mỗi tiếng
chát của tôi không những là thưởng một câu văn mà thôi, nhưng còn đồng ý
với tác giả để ca tụng cái cảnh phú quý, an nhàn của ông nữa.