Rồi thì, Tuyết cũng như Vân, hai cô ùa nhau mở hòm, mở tủ. Sau một
hồi rối rít tìm chìa khóa mới mở được thì chẳng thấy đâu là kim, đâu là đê,
đâu là chỉ mà toàn mó phải những đũa, những thìa, những khuy áo, gương
cũ, hộp sắt tây, lọ thủy tinh, không biết đứa khỉ nào đã nhét cả vào đấy, và
cất đấy để làm gì !…
Cả mọi đồ vật bầy trong nhà cũng có một vẻ kỳ lạ lắm.
Cứ hai, ba tháng lại dọn một lần nên phòng khách cũng như phòng
ngủ trông đều có vẻ "chưa bầy xong" hoặc "đến mai xếp dọn" của những
nhà mới có việc bận rộn hôm qua. Vả lại, ai hỏi đến cái gì cũng không thấy
cả thì còn bày biện cái quái gì? Miễn là ông bố vẫn tìm thấy đủ cái mũ, đôi
giầy, bà mè: một cuốn tiểu thuyết Tam Hạ Nam Đường, hai cô con gái:
phấn, sáp, khăn nhung. Miễn ra ngoài đường, bà con phải nhầm là nhà có
của. Cánh cửa nhỡ hé mở người tò mò đi ngoài phố có thể nhìn trộm thấy
cái tủ chè khảm nhưng mặt kính vỡ chửa có tiền thay. Hoặc trên bàn thờ,
cái bát nhang sứt vì mèo nhảy đổ.
Có khi, ngồi vào mâm, đã cất đũa, ông bố mới sửng sốt tự trách rằng
quên chẳng để dành tiền mua lấy cái liễn ủ cơm. Gặp khi nào hơn hai giờ
mà hai cô gái quý mới thổi cơm xong thì chiều đến đã có lệnh của bà
truyền rằng: "Mới ăn cơm từ lúc hai giờ chiều không phải thổi cơm, để chờ
hàng phở tối".
Một cảnh tượng rất thường nhưng nghĩ cho cùng, thật cảm động: bốn
người cùng, kẻ ngồi, người đứng, bưng mấy bát phở vội húp sụt soạt ở
ngay chỗ cánh cửa bước vào. Cầm cái khăn mặt bẩn như lau khăn bàn, ông
bố húp vội chén nước rồi lại quay vào cắm cổ làm việc, chẳng kịp xỉa răng!
Trong cái cảnh bừa bộn vô trật tự ấy, cái thản nhiên, cái bình tĩnh của
bà mẹ với hai cô thì thật là những kỳ công của tạo hoá! Trong óc mấy
người này đều chứa những tư tưởng gì khác, chứ không tráng qua một tư
tưởng nào về việc tề gia nội trợ bao giờ. Cho nên Tuyết Nương thì ăn vận
theo gái Sài Gòn, còn Bạch Vân gái Huế. Còn bà mẹ, nằm chao mình trong
võng, sống một cách uể oải với bộ truyện Phong thần mơ màng đến cái sắc
đẹp thủa xưa.