cần nàng chẳng nói ngay, cứ luẩn quẩn vào những điều tỉ mỉ: những là thuê
xe ra ga phải thằng phu kéo chậm, lúc trả tiền lại còn kỳ kèo lôi thôi, em
bảo thế này, nó cãi lẽ thế nọ, lấy vé nhiều người chen quá, suýt nữa bị kẻ
cắp xẻo mất túi, lúng túng... nhỡ tầu!
Rồi, tuần lễ ấy, nàng lại lên phủ Vĩnh ở luôn 4, 5 ngày mới về, kêu chị
mình, nhờ có mình săn sóc, thuốc thang chỉ ít lâu thì bình phục.
Khốn thay, chưa được bao lâu thì lại đến lượt nàng cũng ốm. Đốc tờ
mời lại, bảo người yêu tôi mắc chứng đau phổi, bấy lâu ngấm ngầm, nay
mới phát ra. Không còn thuốc nào chữa khỏi!
Bấy giờ tôi đau khổ quá, đã đến phát điên lên mất, vì nàng sắp phải từ
trần. Rồi tôi nghĩ ra rằng đã đến lúc này thì bao nhiêu họ hàng, thân thích
của nàng, mặc lòng xưa kia giận dữ với nàng, nay tôi cũng gọi đến. Cả gia
tộc rất danh giá ấy tôi phải lo sao gọi cho đủ mặt để trong khi hấp hối, nàng
được cùng những người thân yêu thứ tội, và ngộ có dặn lại gì chăng.
Thế là chẳng kịp ngỏ ý với người yêu, tôi vội viết ngay hai lá thư, một
cho bà phủ Vĩnh Tường, một cho ông quan tai to tại Huế. Rồi hôm sau, tôi
chỉnh tề khăn áo, tìm đến nhà ông cụ giáo, cậu ruột Bích Nga.
Tôi cũng không còn nhớ lúc đến nhà ông cụ ấy vào độ mấy giờ. Hình
như ông cụ đang vào bữa cơm trưa, hay cơm chiều thì phải. Thấy dáng điệu
tôi vội vàng, hấp tấp, ông cụ vội quăng đũa, bát, tiếp ngay.
- Thưa cụ, ở đời này, cũng có lúc mà những chuyện hờn giận trong gia
đình phải vứt bỏ đi, mà tha thứ cho nhau mới phải...
Bộ mặt bình tĩnh đáng kính ấy bỗng quay lại nhìn tôi một cách ngạc
nhiên.
Tôi - lố thật! - Tôi vẫn cứng cỏi thêm rằng:
- Thưa cụ, cô cháu ruột cụ đã đến lúc hấp hối rồi, bây giờ chỉ còn chờ
có cụ...
- Cháu ruột tôi, ông bảo?... Thì nào tôi có đứa cháu gái nào đâu?
- Thôi đi, con xin cụ, cụ đừng cố chấp thế. Tội nghiệp lắm. Cháu ruột
cụ, người sắp qua đời là bà tham Ngọc, thuở trẻ cụ vẫn gọi là: cháu Bích
Nga.