cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là
kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chịu, và nhất là tai hại, hầu như
là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi
khuynh gia bại sản nữa! Tôi thấy họ đáng kiếp, không đáng thương tí nào.
Nhưng mà vợ tôi đã gọi người ấy đến; rõ mới tội nợ!
Thì... không mất tiền không xong! Tôi đành hỏi ngay:
- Bác cần tiêu bao nhiêu?
Cố nhiên là chị Bích nghĩ mãi mới đáp:
- Nếu được bác giúp cho độ ba đồng bạc thì cháu bé cũng sống mà vợ
chồng tôi cũng đỡ phải lo trong một tháng.
Lúc ấy, túi tôi có thừa năm đồng. Nhưng mà, như trên đã nói, tôi còn
phải thết đãi người bạn. Ngay bây giờ, chúng tôi rất cần đi ăn, đi chơi! Nếu
không, tôi sẽ chẳng ra giống người, vì ông bạn tỉnh xa của tôi đã đối với tôi
chu đáo, ân cần lắm! Thế rồi đáng lẽ đưa ra cho chị Bích vay hai đồng thì,
không hiểu sao tôi chỉ đưa ra có một đồng. Và tôi bỗng nói khác hẳn như
đã muốn:
- Thôi đây này, có đồng bạc cho cháu ăn quà, bác cầm lấy... Chúng tôi
tuy vậy dạo này cũng túng, chẳng có gì đâu... Đây là tôi cho cháu nhé, chứ
không phải chuyện nợ nần gì cả.
Tôi đã dùng cái lối rất cổ điển: cho hẳn, để mà "rào đường". Vì tôi sợ
nhất cái chuyện sẽ bị quấy nhiễu về sau! Vì cho thì một đồng đã là to: còn
cho vay thì lại là ít quá, không được tử tế như cho hẳn.
Chị Bích cầm tiền, cảm ơn, bẽn lẽn ra về.
Chị hài lòng chưa? Đủ sướng rồi hay còn cho là ít? Tôi cũng không
biết.
Chỉ biết hôm ấy, tôi đã tự đắc như một nhà từ thiện, vì lẽ cố nhiên tôi
coi đồng bạc ấy của tôi là rất to!
Quả như vậy, từ đấy trở đi, không bao giờ chị Bích còn dám bén mảng
đến cửa nhà tôi nữa. Tôi đã rất thành công trong cái sự rào đường một
người bạn nghèo. Rồi thì, chẳng cần phải lâu ngày, chuyện ấy cũng chóng
bị quên đi... Nhưng về phần chị Bích thì không. Chưa có nghìn vàng dễ