nữa. Tôi bèn đẩy ghế mời chị ta ngồi, và không gọi pha nước mới, tôi chỉ
rót ra đấy một chén nước chè cũ pha đã hai lần. Tôi bực mình cũng như bao
nhiêu người đương lúc vội ra đi mà bị có khách đến ám. Rồi tôi cứ tự do
cạo râu trước gương, sau khi hỏi qua loa một câu vô duyên:
- Thế nào, dạo này hai bác có phát tài không?
Thấy chị Bích hổ thẹn đáp cũng vô lý như câu hỏi:
- Không dám ạ, cảm ơn bác.
Đến lúc ấy tôi mới nhớ ra không biết ai đã nói với tôi rằng vợ chồng
ký Bích, từ khi không còn ở chung với tôi, đã lâm vào cảnh khổ sở, và đã
có hai con... Chồng thì đương làm ăn yên lành bỗng bị sở loại, vợ thì cứ ốm
luôn, hai đứa con cũng lại hay sài... Nghe đồn hình như bây giờ cái gia đình
ấy đem nhau ra nheo nhóc ở một gian nhà lá ngoài bãi Phúc Xá, và anh ký
Bích bây giờ phải bán bánh tây cà phê ban đêm, và chỉ ban đêm thôi: Anh
hổ thẹn, sợ cắp thúng và xách lò đi ban ngày gặp bạn hữu, họ mạc... Phải,
phải chính thế, tôi nhớ ra rồi! Người đã thuật chuyện ấy là bạn của cả Bích,
lẫn tôi. Và nói thế là để thương hại chứ không phải để nói xấu...
Nhớ lại như thế, tôi bỗng lại giật mình. Tôi tự nhủ: "Liệu hồn! Lại bị
tống tiền rồi đây!" Rồi tôi thấy phiền quá, vì chị Bích làm cho tôi sợ hãi
quá, nhất là không biết đến bao giờ mới để tôi ra đi cho thoát.
Khổ thật! Râu cạo mãi cố nhiên cũng phải đến lúc hết nhẵn, tôi đành
cất dao đi, và quay lại, ngồi xuống ghế đối diện chị ta. Và chẳng nhẽ lại
không nói gì, tôi đành mở mồm:
- Mời bác xơi tạm chén nước.
- Dạ, vâng.
Đáp xong, chị Bích uống chén nước một hơi, y như một người đương
đói lắm. Chẳng phải là một kẻ vô lương tâm hoàn toàn, tôi bỗng thấy hổ
thẹn về cái lãnh đạm của tôi. Và thay đổi thái độ:
- Thế ít lâu nay hai bác làm ăn ra sao? Tôi chẳng biết nhà đâu mà đến
chơi! Mà hai bác cũng không năng đến chơi với chúng tôi, thì tôi còn biết
gì được!
Mắt chị ta bỗng quắc lên vì sung sướng và hy vọng. Than ôi, con
người ta khi đã lâm vào cảnh nghèo, có ai mà lại không hèn! Cái hạnh phúc