Cô hy vọng tranh lớn nhất của cô, một bản phác bờ dốc dựng đứng màu
cam phản ảnh vào một vũng nước, đúng là một mẫu mực. Cô đã ghi trong
danh mục, giá bức tranh này là 100 guineas, nhưng mặc dầu những nữ văn
sĩ được thừa nhận không kém nam văn sĩ, nữ họa sĩ thì bị đánh giá thấp
hơn. Có rất ít người được triển lãm tranh ở Melbourne, tuy nhiên việc cô là
một sinh viên có triển vọng ở trường Nghệ thuật quốc gia là một thuận lợi.
Báo chí được mời dự xem tranh riêng, nhiều nhà phê bình của tờ Argus
và tờAge khen ngợi cô.
Cô bán được một vài tranh lấy làm ấm lòng; rồi thì đến thắng lợi lớn. Ba
thành viên của ủy ban triển lãm quốc gia đã đến dự phòng tranh và cô nghe
nói là ủy ban muốn mua bức tranh “Vợ Ngư ông” với giá 40 guineas.
Không có ai tiếp xúc với cô về bức tranh lớn, và cô tự hỏi không biết sẽ
làm gì với tranh ấy. Nó quá lớn không thể đem trở lại tàu hoặc để lại trong
căn phòng quá chật chội của Imogen.
Vào ngày cuối cùng, một người tham quan có vẻ là người sang trọng, ăn
vận đẹp, mặt rám nắng với một hàm râu trắng tóm nhọn lại tạo một nét phản
ngược với sắc mặt. Ông đến nhiều lần để nhìn “Chân dung của già Harry”,
với nhãn để chỉ rõ rằng nó đã được bán rồi.
Trước khi ra về, ông ta gặp người thường trực, đưa ra một ngân phiếu
và rút lui trước khi Delie dán một nhãn đỏ lên bức tranh lớn “Bờ dốc đứng
của sông Murray”. Delie cảm thấy là đã từng gặp ông trước đây, đôi mắt
đen dài của ông quen thuộc một cách kỳ lạ. Nhìn tấm ngân phiếu đe lại,
Delie thấy chữ ký W.K. Motteram, và biết ông ta là ai: cha của Nesta.
Giữa lúc vui mừng về việc bán tranh, một nỗi buồn nặng trĩu xâm chiếm
Delie. Cô nhớ lúc cay đắng làm cho cô phá hỏng bức chân dung của Nesta.
Bây giờ Nesta ở đâu? Có chồng? Có thể, và đang sống bên kia trái đất và
quá giàu sang hoặc quá bận rộn để theo đuổi việc viết lách của cô.