Một việc mà hai bên cùng muốn làm thì tuy không bảo nhau, nhưng cũng
dễ thành lắm, nên chẳng bao lâu, trên bàn giấy tòa án, Điệp đã trông thấy một
lá đơn kiện chồng tình phụ của Thuý Liễu đệ lên ông Chánh án.
Nhưng Điệp vẫn lãnh đạm như không, khẳng khái nói với bố vợ:
- Bẩm cậu, con tưởng việc này chẳng phải xét xử lôi thôi cho mang tiếng
với đời, con xin làm giấy cho vợ con đi lấy chồng là êm chuyện.
Ông Chánh án thấy Điệp khinh mạn, căm tức lắm không đáp: mà Điệp nói
được câu ấy, thì lấy làm mát ruột mát gan.
Đến tối, sau một trận cãi nhau kịch liệt với bố mẹ vợ và vợ, Điệp lục hòm,
lấy bức thư nặc danh bỏ vào túi, viết một cái giấy cho Thuý Liễu li dị, rồi gói
ghém quần áo nhất định ra đi, bỏ cả việc làm, bỏ cả cha mẹ vợ, bỏ cả cái thai
trong bụng vợ.
Nhưng mà ngày mới vào ở trong dinh, Điệp trân trọng cất kỹ hai bức thư,
nay ở trong dinh ra, chàng chỉ còn lấy ra được một bức. Mấy trang giấy của
Lan, viết bằng nước mắt và máu, chàng chỉ còn giữ được có thế để làm ghi
tích tấm lòng của Lan thì đã bị Thuý Liễu xé dừ xé vụn vất vào đống rác với
bó lan băm nhỏ mất rồi!
Thôi, nhưng mà được ly dị cùng Thuý Liễu, được ra khỏi cái gia đình đã
giết chữ tình chữ hiếu của chàng, được khuất mặt những người đã đang tâm
chia rẽ mối nhân duyên của chàng cùng Lan, đã dập tắt lửa lòng của đôi lứa
thiếu niên tình sâu nghĩa nặng, Điệp thấy nhẹ nhàng khoan khoái như người
tù tội được ra thoát ngục, như cây trong tối được thấy bóng mặt trời.
Điệp đáp xe lửa đêm về Hà Nội, rồi sáng hôm sau chàng không về nhà
vội, nhưng lấy vé đi ga Kép, để đến chùa Phương Thành tìm Lan. Xiết bao
tâm sự ngót một năm trời nó uất ức trong lòng bấy nay. Điệp không có người