mà hây hây đôi má bánh đúc, chứ chưa hề được nói chuyện với nhau bao giờ.
Thường Điệp vẫn thấy Lan săn sóc đến mình một cách gián tiếp thì cũng cảm
động và hiểu rằng được Lan yêu. Nhưng khốn thay, vì nhà nghèo, nên chàng
không dám yêu Lan, không quá mơ mộng một ngày kia dám hỏi Lan làm vợ.
Cái tâm sự ấy chỉ một mình Điệp biết, chứ cũng chưa dám nói với ai, vì
chàng chắc rằng ông Tú không khi nào quên được lời hứa trước.
Điệp đi vào trong làng, qua cái giếng, cái đình, rặng hàng rào râm bụt thì
đến cái cổng xây ấy ở bên tay trái. Điệp ôm cái va ly cụt quai sang bên tay
phải, thì tự nhiên quả tim chàng đập mạnh, mồ hôi toát ra như tắm. Những
cũng theo thói quen mọi khi, đi qua cổng ấy, tất chàng phải liếc mắt thật
nhanh nhìn vào chỗ ấy... Thì quả nhiên lần này, chàng cũng trông thấy người
ấy. Mà lạ quá, cũng cùng một lúc ấy, người ấy chợt ngẩng đầu nhìn ra cổng,
bốn mắt hữu tình vô ý gặp nhau...
Điệp sửng sốt cả người, bâng khuâng như mất trí. Tuy chàng đã đi qua,
nhưng cái hình ảnh Lan ngồi khâu bên hiên còn như hiện mãi ra trước mắt.
Kìa, rõ ràng Lan ngồi duỗi hai chân ra, cái thúng may lung tung những vụn
vải, cái má đỏ hây hây, con mắt đen lay láy. Điệp lắc đầu, tiếc cái vẻ thiên
nhiên của Lan, Điệp cố hết sức tìm tòi thêm những nét thần tình, nhưng
không sao nghĩ ra được nữa, vì chàng trông Lan quen quá đi mất rồi.
Điệp tưởng thử đặt cái dáng Lan ngồi khâu như thế lên trên phản nhà
mình xem có hợp không, thì bỗng chàng nhớ ngay đến sự thi hỏng.
"Chắc bây giờ Lan cũng đang lẩn quẩn, muốn biết ta thi cử ra sao đây!
Khổ quá, không mượn được ai báo hộ ngay tin cho Lan biết, để nàng đừng
nuôi lâu cái hy vọng mà lại buồn nhiều!"
Thế là Điệp vẫn muốn yêu Lan, song chàng lại không dám yêu Lan!
Chàng thi hỏng, cảnh quẫn bách còn lẩn quất ở trong gia đình, thì bao giờ
chàng dám nói đến chuyện hỏi Lan làm vợ!