Sidney Sheldon
Tay cự phách
Chương 4
Thứ bảy là ngày phiên chợ ở Cape Town. Đường phố đông nghẹt người
mua bán mong tìm được các món hàng giá hời, gặp gỡ bạn bè và người
yêu. Người Boer và người Pháp, binh sĩ mặc những bộ quân phục màu sắc
sặc sỡ, các bà người Anh mặc váy viền đăng ten, áo choàng có diềm đăng
ten xếp nếp, hoà lẫn với nhau trong các cửa hiệu tạp hoá dựng lên trong
công viên ở Braameonstain, Park Town và Burgerdorp. Mọi thứ đều được
bán ở đấy: bàn ghế, ngựa, xe và trái cây tươi. Người ta có thể mua áo dài,
bàn cờ, thịt, sách viết bằng mười hai thứ tiếng khác nhau. Vào ngày thứ
bảy, Cape Town là một phiên chợ ồn ào, nhộn nhịp.
Banda chậm rãi đi xuyên qua đám đông, thận trọng không nhìn mặt người
da trắng. Như vậy thật quá nguy hiểm. Đường phố chật ních người da đen,
Ấn Độ và da màu, nhưng thiểu số người da trắng thống trị. Banda ghét bọn
họ. Đây là đất đai của anh, còn người da trắng là người “uitlander” (ngoại
quốc). Có nhiều bộ lạc ở Nam Phi: người Basutos, Zulus, Bechnuarias,
Matemele – tất cả đều là người Bantu cả. Chữ Bantu cũng là do chữ
“Albantu”, có nghĩ là “nhân dân” mà ra. Nhưng những người Barolongs –
bộ tộc của Banda – là thuộc hàng quý tộc. Banda còn nhớ câu chuyện bà
nội kể về vương quốc rộng lớn của người da đen đã một thời cai trị Nam
Phi. Vương quốc của họ, thế giới của họ. Thế mà bây giờ họ bị nô lệ hoá
bởi một nhúm chó rừng da trắng. Người da trắng đã đẩy họ vào lãnh thổ
mỗi lúc một nhỏ dần, cho đến khi sự tự do của họ đã bị xói mòn. Bây giờ,
lối sống duy nhất mà người da đen có thể tồn tại là xảo quyệt, bề ngoài thì
có vẻ khuất phục nhưng bên trong thì khôn ngoan, ranh mãnh.
Banda không biết mình bao nhiêu tuổi vì người da đen không có giấy khai
sinh. Tuổi của họ được tính theo truyền thuyết của bộ lạc: các cuộc chiến
tranh và chiến đấu, ngày sinh và ngày chết của đại tù trưởng, các sao băng,
băng tuyết và các vụ động đất, con đường mòn của Adam Kok, cái chết của
Chaka và cuộc cách mạng giết hại gia súc. Nhưng tuổi tác của Banda không