phạm, mà ta chẳng tha thứ cho nữa đâu. Ai trái lời ta, ta sẽ vật chết ngay
tức khắc.
Mọi người lần lượt cúi lại xin tuân lời dạy bảo. Thế là từ ấy cốt tượng
được sùng kính oai linh vượt bậc. Chúng tôi có đến viếng miếu thờ ngài,
thấy hàm râu dưới vẫn còn để nguyên trên bàn.
Chúng tôi đảnh lễ xong, lui gót ra về. Ra khỏi cổng, lại gặp ngay một
người thông thạo trong vùng, vui vẻ đáp câu chào hỏi của chúng tôi về ngôi
mộ quan đại thần Trần Công Thắng :
- Quí ông muốn viếng mộ quan lớn Thắng, hãy theo lối miếu này mà
đi xuống, rẽ về phía trái, đi vô con đường đất chừng một đổi 100m thì gặp
ngôi mộ ngài.
Nghe đáp thông suốt, chúng tôi vui mừng, có cảm tưởng rằng chính
thần linh đã chấp nhận lời tôi khấn vái.
Đến nơi, ngôi mộ có vẻ hùng tráng. Trên núm xây bằng gạch quét vôi
trắng. Chung quanh tráng nền xi măng. Mộ bia ghi rõ :
Tướng quân Trần Công Thắng chi mộ
Quan đại thần triều Tự Đức
Tử tiết ngày 15 tháng 8 năm Mậu Tý 1826
Lập mộ ngày 2 tháng 10 d.l 1963
Do xã Cẩm Giang
Xem xong chúng tôi có điều thắc mắc : bấy lâu từng nghe kể là Huỳnh
Công Thắng, sao đây lại ghi họ Trần ? Họ nào mới thật đúng theo chánh sử
? Chúng tôi lấy làm khó nghĩ.
LỜI TÁC GIẢ :
Theo sự tra cứu xuyên qua sách vở cũng như lời truyền thuyết. Ngài là
em của tri phủ Huỳnh Công Giản (tức quan lớn Trà Vông, ngài là họ
Huỳnh mới đúng, không hiểu tại sao trước mộ ngài lại khắc họ Trần, trái
ngược như thế, có phải tại người làm thợ khắc lộn chăng ?)