3. Thầy giáo Nguyễn Văn Định vai Thạch Bích (con trai của Thạch
Trân)
4. Ông Trưởng Tòa Nguyễn Văn Vàng vai Lý Ông.
5. Cô giáo Võ Thị Tỹ vai Lý Thị Thiên Hương.
6. Cô giáo Xuân vai cô Xẩm.
7. Ông Võ Hữu Dư thơ ký tòa hành chánh vai thầy đoán xăm.
Công cuộc trang trí do ông Nguyễn Văn Tiết nghiệp chủ đảm nhiệm.
Vào thời nền ca kịch nước nhà chưa phát triển lắm, ở các tỉnh nhỏ
niềm Nam rất hiếm, khi có những gánh cải lương lớn đến trình diễn, việc
công tư chức, sinh viên, thân hào trong tỉnh quận hiệp nhau tổ chức những
đêm hát với một đoàn hát tay ngang là chuyện thường để giải trí, giúp vui
đồng bào địa phương, biểu dương một tín ngưỡng, chấm dấu một lễ kỷ
niệm.
Sau những ngày học tuồng, tập dượt và ráp tuồng dài đăng đẳng, ngày
trọng đại đã đến. Vở tuồng ra mắt khán giả tại sân vận động Tây Ninh,
dựng sân khấu hát giữa trời, vì ban tổ chức dự đoán số khán giả không có
rạp nào đủ chỗ chứa.
Sự dự đoán của ban tổ chức không sai, buổi hát với tuồng tích chưa có
gánh nào diễn mà lại liên hệ tới một linh tích của tỉnh được cả nước biết
đến và ngưỡng mộ, đã thu hút một số khán giả kỷ lục. Giá vé hạng nhất 3
cắc, hạng nhì 2 cắc, hạng ba 1 cắc, mà số thâu tổng cộng được 4.700 đồng.
Đặc điểm của đêm hát là lần thứ nhất ở tỉnh nầy trên sân khấu có đặt
máy ghi âm, do tham biện Villmont mượn của phủ thống đốc từ Sài Gòn
lên nên khán giả ngoài trời mới nghe được đầy đủ và rõ những lời đối thoại,
ca ngâm. Hát giữa trời lại có cái lợi cho khán giả bình dân là mát mẻ,
không phải tắm trong khói thuốc, muốn ngồi muốn đứng tự do, chung
quanh sân cỏ lại có bày những hàng bánh nước cho khán giả có thể vừa
xem hát vừa giải khát.