Sau đêm hát gặt hái một sự thành công bất ngờ đến thế, ông bầu Đặng
Văn Bê và toàn ban tính đem gánh và vở tuồng về Thủ Đô để hiến đồng
bào ở Sài Gòn một của lạ. Nhưng than ôi ! Dự tính nầy không bao giờ thực
hiện được. Đoàn hát bị rời rã một cách bất ngờ. Những người đóng vai
quan trọng và trong ban tổ chức vở hát lần lượt đều lâm nạn, người lâm
bịnh, kẻ gặp tang chế trong thân quyến, người bị đổi đi nơi khác. Ông bầu
Đăng Văn Bê cũng bị thuyên chuyển.
Dư luận trong tỉnh cho là vở tuồng có lẽ đã trình sự tích Bà Đen sai
lạc, hoặc trong lời đối thoại ca ngâm có đoạn nào xúc phạm đến thần linh,
nên Bà đã ra oai trừng phạt để giải tán đoàn hát, ngăn cấm vở tuồng tái
diễn.
Người ta nói rằng ở Hà Tiên có một bà tên Thúy Hoa nhận thấy vở
tuồng khá hay và hấp dẫn, đã xin về định đem xây dựng lại để trình diễn ở
Hà Tiên, song về sau nghe chuyện lộn xộn ở Tây Ninh, bà bỏ qua không
thực hiện ý định đó nữa.
Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà đen đã ra oai trừng phạt nhẹ những
người dân vô tâm hay có thiện chí đã xúc phạm đến bà. Sau nầy đồng bào
Tây Ninh còn truyền tụng.
TÂY NINH VỚI NẠN CỌP LOẠN RỪNG BẮT BÒ, ĂN THỊT
NGƯỜI
Như chúng ta đã biết, ngày xưa Tây Ninh toàn là rừng già, chưa được
khai thác trống trải như ngày nay cho nên nó là giang sơn của cọp, voi,
mang, mển… v.v… Thời ấy, chúa sơn lâm hay bén mảng gần xóm đông
dân cư, để rình bắt heo bò và cõng người về rừng xé xác.
Chẳng rõ « cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận » dữ đến thế nào chứ
riêng nạn cọp Tây Ninh có lắm lúc bất trị, khiến dân chúng coi như là một
đại họa hãi hùng. Cho đến khoảng cận đại, mặc dầu đã có khoa học tiến bộ
mà vùng Tây Ninh vẫn còn ghi dấu vết ghê rợn về nạn cọp hoành hành.