tương đại đạo chấm rau cải. Đọt cây rừng, loại nào ăn được thì hái ăn hết
nhất là mít rừng, rau hẹ, khoai bắp… Năm này sang năm nọ cũng thế, vì số
tín đồ đến làm công quả quá đông. Phần gặp thời kinh tế khủng hoảng, thức
ăn thiếu thốn. Kham khổ đến nỗi đốn chuối cây xắt mỏng trộn ghém để mà
ăn, cũng không đủ.
Trong số người làm công quả nơi tòa thánh, gồm đủ mọi ngành, mọi
giới : thợ hồ, thợ mộc, thợ sơn, thợ điện, thợ rèn, thợ vẽ… Ai chuyên môn
về ngành nào thì tình nguyện đảm nhận trách vụ thích ứng với khả năng.
b) Người Miên vượt biên giới đến tòa thánh làm công quả
Chẳng những người Việt, từ các miền xa xôi đổ xô về hàng ngàn
người để làm công quả đã đành, lại còn người Miên họ cũng lội suối, băng
rừng lướt bụi đến để xin làm công quả. Họ đi nhiều ngả, ngỏ Thiệu Ngôn
đổ xuống ngỏ Điện Bà, ngỏ Soài Riêng, Gò Dầu Thượng lên…
Khi ấy, người Pháp thấy dân chúng kéo đến Tây Ninh càng ngày càng
đông, đâm ra nghi ngại. Chúng tìm cách cấm đoán, ngăn cản không cho tụ
họp đông đảo. Tội nghiệp cho mấy chú Miên vượt biên bị Pháp bắt giam
giữ và đuổi về. Nhưng khi thả ra, họ cũng len lỏi đi ngỏ này, ngỏ kia đến
tòa thánh cho kỳ được để làm công quả.
Nhiều người hỏi họ :
- Các anh có đạo không mà đến đây xin làm công quả ?
Họ đáp một cách quả quyết :
- Chúng tôi được lịnh ông Sãi Cả của chúng tôi, bảo phải đến đây làm
việc cho « ông Trời », nên chúng tôi quyết tâm đi đến nơi đến chốn, không
sợ gì hết.
Họ đến với lòng chân thành, hăng say làm việc bất kể ngày đêm. Ăn
uống kham khổ, tối không đủ chỗ ngủ, phải nằm ngoài gốc cây thật là vất
vả, nhưng không thoái chí ngã lòng.