Một điều làm cho người Miên càng đắc chí hơn nữa, họ thấy hình thái
tử Sĩ Đạt Ta cỡi ngựa Kiền Trắc với Sa Nặc dựng trước sân tòa thánh, họ
cho đó là giống vị hoàng tử Miên ở nước họ. Bởi thế, họ càng tin tưởng
mãnh liệt, cho đó là cùng chung mối đạo với họ.
Sự tín ngưỡng chẳng riêng gì dân tộc Việt Nam, dân tộc nào cũng có
quyền tín ngưỡng, không thể cấm đoán được.
Một điều đáng chú ý nhất : số người Việt, người Miên vượt biên giới
đến làm công quả đã đành, trong đó còn có một thiểu số dân Tà Mun, gốc ở
Bình Long, Võ Dực, về cư ngụ tại chân núi Điện Bà đầu tiên, trước thời
tiền chiến. Họ cũng đến tòa thánh làm công quả và tu hành, nhập môn cầu
đạo, thờ thầy.
Tỏ lòng cảm phục, nhóm người Tà Mun ấy rời chỗ cũ, kéo nhau về cư
ngụ ở ấp Ninh Lợi, thuộc xã Ninh Thạnh, ngoại ô tòa thánh. Số dân thiểu
số này cũng thường ăn chay và cũng được cử làm chức sắc trong đạo.
CĂN NGUYÊN ĐẠO CAO ĐÀI
a) Vị đệ tử đầu tiên
Tương truyền vào năm 1920, ông Ngô Văn Chiêu một công chức
nhưng vì có tiền căn nên thường hay hầu đàn thỉnh tiên. Một hôm có một
đấng vô hình giáng cơ xưng là « Cao Đài Tiên Ông » bảo ông chịu nhận
làm đệ tử thì sẽ dạy đạo.
Rồi kế đó ông được ơn trên cảm hóa như : cho thấy « thiên nhãn » để
vẽ mà thờ và cho thấy « cõi bồng lai tiên cảnh ».
Khi ông Chiêu đặt trọn đức tin nơi đức Cao Đài Thượng Đế rồi ông
mới tỏ cho một ít người thân thiết biết mà tu theo cùng ông, nhưng vốn tính
người rất dè dặt nên mối đạo buổi đầu ít người được biết đến.
Các vị chức sắc Thiên phong, khai nguyên đại đạo Tam kỳ phổ độ tại
Tây Ninh, nay đã quy tiên.