một khu vườn u tịch. Những loại dây rừng, lâu đời mọc quấn theo thân cây
tủa xuống có tòng có tuội, quang cảnh rất nên thơ trầm lặng. Chính giữa
cuộc đất có dựng một cái miếu xưa, giữa thờ một tấm tượng bằng gỗ sơn
son thết vàng, khắc mấy dòng chữ nhỏ : « Lịnh Ông Chúa Tàu chứng minh
». Cạnh bên ngai thờ có dựng một lưỡi siêu cũ kỹ không tra cán, đó là di
tích của vị Chúa Tàu ngày xưa thường dùng cái lưỡi siêu này để đánh giặc.
Trước ngôi thờ trần thiết rất trang nghiêm, khói hương không dứt, bá
tánh thập phương thường đến Dinh Ông lễ bái.
Trong các ngày lễ, chúa nhật, nam nữ học sinh thường vào đây ngoạn
cảnh.
Một vài truyền thuyết kể lại sự tích Dinh Ông như sau :
Ngày xưa trên đường tẩu quốc, Nguyễn Ánh có lúc di chuyển bằng
đường bộ, có lúc phải dùng ghe thuyền xuôi ngược khắp sông rạch. Trên
dòng thuỷ lộ, ông và đoàn tuỳ tùng đi trên một chiếc ghe vào con sông
Vàm Cỏ Đông, đến làng An Thạnh (Gò Dầu Thượng) dừng chân. Ghe vừa
đến nơi, quân Tây Sơn hay đuổi theo, Nguyễn Ánh và các quan hộ giá phải
bỏ ghe, băng bộ đường rừng đến núi Bà Đen Tây Ninh lánh nạn, ngài mới
giao chiếc ghe ấy cho vị chúa Tàu cũng như vị thuyền trưởng ngày nay để
bảo vệ. Thuở xưa vùng này có nhiều kinh rạch liên tiếp ăn qua Đồng Tháp
Mười, ghe vô đậu đây ra không được, vì sợ lộ tung tích. Nhưng quân Tây
Sơn cũng đuổi theo bén gót và Chúa Tàu tử trận. Sau này lâu ngày biển cả
hóa cồn dâu nên chiếc ghe bị lấp mất nổi lên một gò đất cao cây cối mọc
um tùm. Người địa phương thời ấy biết chuyện, đến lập một cái miếu để
thờ, nên dân gian thời xưa lưu truyền là Dinh Ông cho đến nay.
Còn một truyền thuyết khác nữa nói ngày xưa có chiếc tàu của một
đoàn quan quân nhà Minh, chạy vô ẩn lánh bị mắc cạn ra không được, sau
lấp thành cồn. Cách đây vài mươi năm đồng bào quanh vùng thường tới lui
viếng còn thấy một khúc ống khói lú lên.
Nhân đi viếng cảnh này cùng với nhà thơ Thái Phong và bạn Linh
Hữu vào ngày 30 tháng 11 năm 1971 (Âm Lịch), bạn Linh Hữu có làm một