MIẾU THỜ ÔNG GỐC : MỘT VỊ ANH HÙNG ẨN DANH KHÁNG
PHÁP
Cứ theo lời truyền của dân chúng thì sự tích nầy đã có từ xưa :
Thuở xưa, vào thời kỳ quân Pháp chiếm lấy tỉnh Tây Ninh, quân ta bị
thất trận, tản lạc tứ phía. Có một võ quan tên Nguyễn Phương Hồng từ đâu
kéo đến một đoàn binh đóng tại ngọn rạch Cái Răng vào tả ngạn sông Vàm
Cỏ Đông thuộc về làng Thanh Điền (ấp Thanh Trung) để mai danh đặng
lừa cơ hội phục thù.
Ông ẩn tích nơi đây đã lâu. Quân Pháp hay tin, đến vây đánh. Quân ta
lương thảo ít, binh sĩ đói, ghe thuyền thiếu. Trước mặt là sông. Phía sau
binh giặc đuổi gấp. Túng thế, ông cho giải tán binh lính, truyền cho chôn
giấu súng ống để khỏi rơi vào tay giặc. Hố chôn súng hiện còn dấu tích,
cạnh sông, cách rạch lối 20m. Giữa tình thế cấp bách, ông bèn chia lương
thực cho binh sĩ, bảo họ về quê hoặc tìm chỗ ở lo làm ăn. Phần ông, ông
gieo mình xuống nước huỷ mình tử tiết, không để cho giặc bắt, cái hy sinh
của ông vì non nước muôn đời vẫn còn sáng chói.
Sau đó, nhân dân trong vùng thường gặp một gốc cây to trôi lờ đờ trên
mặt nước.
Gốc cây không trôi đi xa, chỉ quanh quẩn nơi ông tự trầm. Có khi gốc
cây trôi ngược dòng nước. Gốc này to lớn, bề tròn có thể ba người ôm
không giáp. Trên đầu gốc có mấy u tròn như đầu người.
Gốc này không biết từ đâu đến. Có người lấy sào xô ra giữa dòng
nhưng rồi gốc vẫn trôi lại lờ đờ ở chỗ cũ. Có lẽ hồn thiêng của vị anh hùng
còn uất hận với núi sông, nên còn phảng phất nơi đây.
Về sau, nhiều người nằm mộng được thấy ông tỏ bày tự sự, và chừng
đó nhân dân càng thêm kính trọng.
Tin ấy đồn xa, chẳng những người địa phương mà khách thương buôn
cũng thường ghé thuyền vào dâng hương.