Xóm Suối Đá ở về hướng đông bắc núi Bà Đen, thuộc làng Phước
Hội. Xóm này nhà cửa ngày xưa rất đông đảo, ở gần dưới chân núi. Nơi
xóm có hai con đường đá đỏ, một đường ăn thông qua Khaidon, bên kia núi
Bà Đen, và một con đường giáp với đường quản hạt 13 chạy về Tây Ninh.
Cách xóm Suối Đá chừng 500m, dọc theo con đường số 13 có hai cái
suối bề ngang độ 5m, chạy ngang qua một cây cầu đúc. Dưới đáy suối, toàn
những đá nhỏ ; hai bên suối là những đá xanh, tảng lớn nổi lên lởm chởm
trên mặt đất. Suối này ăn thông ra sông cái. Vì suối toàn là đá, nên đồng
bào địa phương gọi là Suối Đá và xóm này cũng mang tên là xóm Suối Đá.
SỰ TÍCH BẾN TRƯỜNG ĐỔI
Ngày xưa, khi Tây Ninh còn dưới quyền cai trị của Nam triều, vốn là
phủ Tân Ninh. Sau quân Pháp chiếm đóng, đặt guồng máy hành chánh tại
đây, nhưng đa số không khuất phục. Nhất là người Chàm, tỏ ý chán ghét
người Pháp ra mặt.
Không phục quân Pháp nên người Chàm không chịu đem các sản vật
ra chợ bán cho quân giặc, để mua hàng hóa ở chợ đem về dùng. Họ lãnh
đạm, không muốn giao thiệp với quân Pháp.
Mặc dù người Chàm thuộc nhóm dân thiểu số, nhưng họ có tinh thần
đoàn kết, gom nhau ở một xóm. Trên nói dưới nghe. Khi họ truyền nhau bất
hợp tác thì ai nấy đều nhất luật tuân theo. Quân đội Pháp thấy thế hạ lệnh
cho một tốp lính đi ruồng trong xóm, ra chỉ thị buộc người Việt đem đồ ra
chợ bán, rồi đem hàng hóa vào xóm người Chàm mà đổi chác mua bán với
nhau. Người Chàm thấy người Việt tổ chức các cuộc đổi chác, mua bán,
cũng thuận giao tiếp, miễn sao không có quân đội Pháp chen vào thì thôi.
Địa điểm nhóm họp giữa người Việt và nhóm người Chàm mang tên là Bến
Trường Đổi.
Đồng bào địa phương nhớ lại mẩu chuyện của xóm Trương Đổi năm
xưa, vẫn là sự tích giữa người Việt với người Chàm ở Tây Ninh trong quá
khứ vậy.