SỰ TÍCH CỐNG CHÀM VÀ HANG CHÀM Ở TÂY NINH
Đất Tây Ninh có lắm sự tích được truyền tụng trong dân gian, mà đến
nay hãy còn lắm người biết.
Xưa kia, cách chợ Tây Ninh trên một ngàn thước, ở phía làng Thái
Bình dân cư trù mật. Muốn di chuyển đến làng Thanh Điền, phải đi theo
con đường trải đá chạy ngang qua xóm người Chàm cư ngụ. Ngay trên
cánh đồng vắng ấy, nổi lên hai gò đất cao, giữa trũng thấp, nước đọng
quanh năm. Thường đến mùa mưa hay ngập lụt làm hư hại mùa màng. Dân
làng mới xây hai cái cống ba miệng ngay tại xóm người Chàm, để thoát
nước ra sông tránh nạn nước ứ đọng.
Hiện nay người Chàm đã dời về ở bên xã Thái Hiệp Thạnh từ lâu, mà
tên Cống Chàm cũng vẫn còn được nhắc. Mỗi lần đi ngang qua vùng này ai
cũng nghe nói đến Cống Chàm.
Còn sự tích Hang Chàm nằm trên núi Điện Bà, cũng vẫn thường được
nhắc đến. Hễ nhắc lại chuyện Cống Chàm, đa số đều liên tưởng đến Hang
Chàm mà lắm người địa phương hiện nay vẫn còn biết rõ.
Ngày xưa người Chàm cư ngụ ở Đông Tác thường vô núi đốn củi,
lượm chai, làm rẫy. Số người này lên núi chọn một cái hang để đụt mưa
nắng và nghỉ trong lúc mưa gió bất thường không về được mà phải ở lại.
Hoặc dùng làm nơi tạm nghỉ để ăn uống.
Lúc bấy giờ, dân chúng quanh vùng gọi chốn đó là Hang Chàm, lâu
ngày thành danh.
Chúng ta nên biết, chẳng phải người Chàm hay ở hang đâu. Phong tục
tập quán người Chàm có lắm điều khả quan. Họ tập trung với nhau ở nơi
một xóm, ấp nào đó. Phần nhiều nhà cửa cao cẳng, chớ không ở hang ở lỗ
bao giờ. Sở dĩ có cái Hang Chàm ở Tây Ninh trong thuở xa xưa, chỉ là chỗ
họ tạm nghỉ ngơi, để lấy sức làm lụng quanh năm suốt tháng nơi vùng này
vậy thôi.