kể lại cho chúng tôi, người tình nguyện dấn thân đi tìm ghi nhận tinh hoa
đất nước chép lại.
ÔNG HUỲNH CÔNG GIẢN : VỊ ANH HÙNG BẢO VỆ TÂY NINH
ĐẾN HƠI THỞ CUỐI CÙNG
Miền đất Tây Ninh vào thế kỷ XVII là vùng hoang vu, sau người Việt
đến. Cao Miên lúc bấy giờ là chư hầu của Xiêm, họ không thích chung chạ
với người Việt. Do đó, họ nổi dậy đánh nhau với người Việt nhiều lần giữa
thế kỷ thứ XVII.
Vào thế kỷ thứ XVII, đền đài của vua Miên là Nặc Ông Chân đóng tại
xã Thanh Điền, gần ngọn rạch Tây Ninh ngày nay, dân chúng địa phương
hiện quen gọi nơi đó là Phủ Cũ.
Khi nghe tin đồn người Miên dấy loạn cướp phá tài sản người Việt,
anh hùng Việt Nam tứ xứ không hẹn mà cùng kéo về Tây Ninh trợ chiến.
Trong những anh hùng tứ xứ này có 5 vị tiền bối người Đàng Ngoài,
mà dân chúng gọi là Ngũ hổ tướng quân. Ngũ tướng theo ngọn sông Sài
Gòn lên tại ngã ba ngọn rạch Sanh Đôi và Bà Chiêm, tục danh là ngọn Cái
Cùng đóng đồn chống địch giúp dân.
Ngoài Ngũ hổ tướng, dân Tây Ninh không một ai là không nghe đến
uy danh quan lớn Trà Vông, vị anh hùng bảo vệ đất Tây Ninh đến hơi thở
cuối cùng.
Chính sử không thấy ghi chép, nhưng sự truyền khẩu của nhân gian
đến nay được biết, quan lớn Trà Vông tên thật là Huỳnh Công Giản cùng
người em là Huỳnh Công Nghệ, gốc người Nhật Tảo, võ nghệ cao cường,
đã đến Tây Ninh lập căn cứ kháng Miên.
Ông Huỳnh Công Nghệ đóng đồn tại Bến Thứ, gần ngọn rạch Sóc Om
thuộc xã Hảo Đước. Ông Huỳnh Công Giản chiếm cứ một cánh đồng rộng
gọi là đồng Trà Vông thuộc xã Thái Bình. Bờ thành Trà Vông vô cùng kiên
cố.