Bấy giờ những trận đụng độ giữa người Việt và người Miên liên tiếp
xảy ra kéo dài suốt mấy mươi năm với vũ khí rất thô sơ.
Phía quân Việt thì có gươm đao, giáo, mác, cung tên và trong đồn
phòng thủ rất nhiều lu dầu Con Rái.
Một sáng tinh sương, quân Miên dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn
công đồn Trà Vông. Bị tấn công bốn mặt bất ngờ, nhưng quân của ông
Huỳnh Công Giản cũng kịp thời phản công mãnh liệt. Trong đồn nấu dầu
con rái sôi thụt ra khiến quân Miên bị ngã nhào lớp lớp dưới chân hào. Tuy
nhiên, vì quân Miên quá đông, ngã lớp này, lớp khác tràn lên. Trận cận
chiến ác liệt diễn ra suốt ngày trời. Quân Việt vì bị tấn công bất ngờ, không
chuẩn bị việc cơm nước, nên vừa đói, vừa mệt nên quân Miên tràn vào đồn
Trà Vông.
Trước đó, tướng Huỳnh Công Giản nhận định biết rằng, quân Miên
quá đông, nên dù quân sĩ dưới quyền ông tử thủ cũng khó kéo dài cuộc
chiến nên ông đã cho quân liên lạc với ông Huỳnh Công Nghệ kêu viện
binh. Trận chiến mỗi lúc một khốc liệt, tướng Huỳnh Công Giản tả xung
hữu đột như hổ dữ giữa vòng vây của lũ chồn. Khi ông thấm mệt, nhìn lại
thì quân Việt đã hy sinh quá nhiều, trong lúc viện binh chưa kịp đến. Biết
khó chuyển được thế cờ, tướng Huỳnh Công Giản nhớ tới câu « thành mất
thì tướng phải mất theo ». Ông vung gươm tử chiến cùng giặc Miên đến lúc
kiệt sức rồi gom tàn lực quay gươm tự cắt đầu tuẫn tiết chớ không để cho
quân Miên bắt sống.
Tướng Huỳnh Công Giản ngã xuống, quân Miên lại tràn thêm lớp lớp
vào thành. Trong khi ấy, viện binh của tướng Huỳnh Công Nghệ truyền
lệnh quân sĩ vây thành, chận đường rút lui của quân Miên, quyết đánh một
trận rửa hờn cho anh và binh sĩ Việt đã hy sinh.
Quân Miên hãy còn đông, nhưng lúc bấy giờ đã đói mệt, viện binh
Việt tràn vào giáo gươm tua tủa, đầu quân Miên rơi như sung rụng. Những
dãy hào chung quanh thành Trà Vông nước xanh biến thành những hồ máu