Đạo binh của ông đến đâu thì quân Pháp phải điêu đứng. Nhiều lần
quân Pháp cho người khuyến dụ, nhưng ông vẫn giữ lòng thiết thạch và
trung hiếu, quyết lo nợ nước thù nhà.
Ông không vì bả danh lợi mà phản nước hại dân, ông nhất quyết thề
không đội trời chung với quân xâm lăng cướp nước.
Lúc bấy giờ súng nổ khắp chiến trường, Thiên hộ Dương (Võ Duy
Dương) hoạt động mãnh liệt ở Đồng Tháp Mười. Quân Pháp lại phải huy
động một số tàu chiến và quân lính vô nghênh chiến với Thiên hộ Dương
tại Mỹ Trà Cao Lãnh.
Trương Huệ đem binh đến đánh Sài Gòn ngày 24 tháng 6 năm 1866
vào lúc 4 giờ khuya. Liên quân Việt-Miên dưới quyền chỉ huy của Trương
Huệ đột nhập vào vùng Chợ Lớn tấn công đồn Thuận Kiều, trong lúc bọn
lính Pháp say ngủ không hay, lọt được vào đồn đánh xáp lá cà với bọn mã
kỵ Spahis.
Trận ác chiến xảy ra. Quân Trương Huệ đã chiếm được đồn và tàn sát
vô số lính Pháp tại đây. Còn lại 5-3 tên sống sót leo đồn chạy đi báo cáo.
Trận này quân Pháp hao nhiều. Đồn Thuận Kiều nhuộm đầy máu đỏ. Tử thi
không đầu được đem ra sắp trước đồn cho dân chúng xem để cảnh cáo bọn
mãi quốc cầu vinh, tay sai của giặc, phản dân hại nước.
Đến 6 giờ sáng, liên quân Việt Miên quét sạch tàn quân trong đồn,
phải quay đầu trở lại tác chiến với quân tiếp viện Pháp.
Trận đánh càng lúc càng thêm ác liệt vì viện binh Pháp càng lúc càng
tăng. Đến 8 giờ quân Trương Huệ núng thế đành bỏ đồn Thuận Kiều rút về
Bà Hom. Trận này đồn Thuận Kiều tổn thất nặng nề.
Cũng trong đêm khuya 23 rạng ngày 24 Juin 1866, một toán quân
khác của Trương Huệ đột kích ở Bà Điểm, Hóc Môn, người cai quản vùng
này là ông Phủ Ca, tên Việt gian tay sai đắc lực của Pháp, đem lính ra
chống cự, hai bên bắn nhau cả tiếng đồng hồ, quân Pháp ở Gia Định, Gò
Vấp hay tin đem binh đến tiếp viện. Quân Trương Huệ rút lui về Củ Chi,