HUỲNH TRUNG : NGỌN ĐÈN HỒN TỬ SĨ HAY LÀ LÃO BỘC
Ngược dòng lịch sử, năm Mậu Tuất 1778, Chúa Nguyễn Phúc Ánh
khởi nghĩa đánh Tây Sơn.
Qua năm 1780, quân binh Chúa Nguyễn Phúc Ánh chiếm giữ Phiên
An Trấn, tức Gia Định bây giờ. Nhưng quân Chúa Nguyễn Phúc Ánh chỉ
giữ được đất Gia Định trong ít lâu rồi bị lực lượng Tây Sơn xua quân đánh
bại.
Lực yếu, thế cô, Nguyễn Ánh cùng một nhóm Cần Vương bỏ đất Gia
Định chạy về phía Bắc với núi rừng trùng điệp. Trên bước đường lận đận,
chúa tôi nhà Nguyễn lạc lõng vào giữa cảnh rừng sâu nước độc, mà lịch sử
ghi nhận đó là vùng núi Điện Bà, tức núi Bà Đen.
Không lầu đài, dinh thự, không cận thần áo cao mũ rộng mà chỉ có
tình nghĩa chúa tôi đồng tâm nhứt dạ, mỗi khi Nguyễn Ánh nhóm họp triều
thần, chỉ tập trung trên đồng cỏ hoang nơi rừng thẳm. Đời sau, dân gian
truyền khẩu nơi đó là SÂN CHẦU. Vị trí lịch sử của Nguyễn Vương hiện
nay nằm trong xã Lộc Ninh, cách tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 30 cây số về
hướng Đông.
Thuở lao đao, lận đận trên đường chiến đấu ấy, trong đoàn quân
chuyển vận của Nguyễn Ánh có một vị lão bộc tên Huỳnh Trung. Vị lão
bộc nầy có nhiệm vụ chăm lo về ngựa, bò để dùng vào việc vận chuyển
lương thực.
Một hôm, đoàn xe bò vận chuyển lương đến một ngõ truông rừng, gọi
là Truông Hồng Đào, cách núi Bà Đen độ 4 cây số, lão bộc Huỳnh Trung
lâm bệnh mà chết. Vì việc chuyển binh gấp rút, nên thi hài lão bộc được vùi
nông bên Truông Hồng Đào.
Từ đó đến nay đã hơn trăm năm, khách dạ hành có việc đi qua xóm
Độn đến chân núi Bà Đen thường bắt gặp một hiện tượng huyền bí. Đó là
ngọn đèn, được gọi là ngọn đèn thần đưa lối khách xuyên đêm.