gọi mọi người. Thời gian vẫn sớm, lại chẳng có việc gì cần làm vào lúc này.
Gã chưa muốn về nhà, gã không muốn một mình đơn độc ở một nơi yên
tĩnh. Nếu muốn, gã có thể đi đến bất cứ nơi nào gã thích, hầu như mọi chỗ.
Nhưng thực tế gã lại không thể nghĩ ra một địa điểm nào cụ thể để đi.
Những lúc thế này giá mà mình uống được rượu, gã chợt nghĩ. Nếu là
một người đàn ông bình thường, có lẽ gã đã vào một quán rượu đâu đó để
tìm men say. Nhưng thể tạng gã không cho phép dung nạp quá một lượng
cồn nhất định. Thứ mà rượu bia đem lại cho gã không phải sự sắc bén của
cảm giác, cũng không phải sự lãng quên trong khoan khoái, mà chỉ là một
trận nhức đầu vào sáng hôm sau.
Vậy, mình nên đi đâu?
Rốt cuộc, chỉ có một nơi để đến.
Gã bước dọc theo đại lộ để tới ga Tokyo. Gã tiến vào trong ga qua cửa
soát vé mạn Yaesu, ngồi xuống một chiếc ghế băng trên đường ke tuyến
Yamanote. Thế rồi trong hơn một giờ đồng hồ, gã ngồi đó ngắm nhìn những
đoàn tàu màu xanh cốm gần như cứ mỗi phút một chuyến, lao đến, nhả ra vô
số người, sau đó lại cuống cuồng nuốt chửng vô số người rồi lao đi. Suốt
quãng thời gian đó, gã không nghĩ gì, chỉ vô thức phóng mắt theo cảnh
tượng ấy. Cảnh tượng ấy không làm vơi bớt nỗi đau trong lòng gã. Nhưng,
sự lặp lại của nó vẫn cuốn hút gã như thường lệ, ít ra cũng làm tê liệt cảm
thức về thời gian.
Những con người chẳng rõ từ đâu không ngừng tuôn đến, tự giác xếp
thành hàng ngay ngắn, rồi trật tự bước lên tàu để được chở đến một nơi nào
đó. Tsukuru bao giờ cũng thấy xúc động khi nghĩ rằng có ngần ấy con người
đang thật sự tồn tại trên thế giới này. Và gã cũng thấy xúc động y như vậy
khi nghĩ rằng có ngần ấy toa xe điện màu xanh cốm tồn tại trên thế giới này,
Ngần ấy con người, được vận chuyển bởi ngần ấy toa xe một cách có hệ
thống, cứ như không. Ngần ấy con người, ai ai cũng có nơi chốn đi về. Gã
cảm thấy điều đó chẳng khác nào một kỳ tích.