TÊN CỦA ĐÓA HỒNG - Trang 286

Vừa bước vào, tôi thấy toàn bộ các thành viên của hai phái đoàn đã đến
đông đủ. Họ ngồi đối diện nhau trên các băng ghế dài được sắp theo hình
bán nguyệt, hai phe ngăn cách nhau bởi một chiếc bàn, nơi Tu viện trưởng
và Hồng y Bertrand đang ngồi.
Thầy William đặt tôi ngồi cùng với các tu sĩ dòng Khất thực. Ở đây, có Cha
Michael cùng các môn đệ, và các tu sĩ khác của dòng Francisco trong Triều
Avignon, vì cuộc gặp gỡ này không nhằm làm ra vẻ một trận chiến tay đôi
giữa người Ý và người Pháp, mà chính là cuộc tranh luận giữa những người
ủng hộ giáo luật dòng Francisco với những người chỉ trích nó – những
người thảy đều liên kết với nhau bởi lòng trung thành Công giáo vững chắc
với triều đình Giáo hoàng.
Tu viện trưởng khai mạc phiên họp và cho rằng đây là lúc thích hợp để tóm
lược các biến cố trong thời gian gần đây. Cha nhắc lại rằng, trong năm
1332, Đại hội chung của các thầy dòng Khất thực, họp tại Perugia, dưới sự
lãnh đạo của Cha Michael xứ Cesena, đã xác lập một suy nghĩ đúng đắn là
để nêu gương cho một cuộc đời hoàn thiện, Đấng Ki-tô và các tông đồ theo
lời dạy của Ngài, đã chẳng bao giờ sở hữu một vật gì, dù là của cải hay hận
thù.
Sự thật này là một điều trong đức tin và giáo lý của Thiên chúa giáo, được
suy ra từ nhiều đoạn khác nhau trong các kinh sách. Như thế, việc từ bỏ
quyền sở hữu mọi vật là xứng đáng và thiêng liêng. Hội đồng thành Viên
năm 1312 cũng đã tán thành chân lý này. Chính Giáo hoàng John trong sắc
lệnh “Đòi hỏi của một số người”[1] năm 1317, về tình trạng của các thầy
dòng Khất thực, đã cho rằng sự khẳng định của Hội đồng đó là đúng đắn và
hợp lý. Tu viện trưởng tiếp, thế nhưng năm 1323, John đã ban hành sắc
lệnh ngày nay rất nổi tiếng là “Giữa một số người”[2] trong đó hoàn toàn
lên án các luận thuyết của Đại hội Perugia.
Đến đây, giáo chủ Bertrand nhã nhặn ngắt lời Tu viện trưởng và bảo rằng
năm 1324, để làm sự việc phức tạp hơn và để chọc giận Giáo hoàng, Vua
Louis đã khẳng định các luận thuyết của Đại hội Perugia mà chẳng hề có
căn cứ nào, rồi đặt mình chống lại Giáo hoàng, gọi Giáo hoàng là kẻ gây tai
tiếng và gieo mầm mất đoàn kết, và sau cùng là kẻ cầm đầu dị giáo.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.